Xã hội
Yên Bái: Xã khó khăn “thay da đổi thịt” từ nguồn vốn tín dụng chính sách
02:38 PM 10/06/2021
(LĐXH)- Nguồn vốn chính sách xã hội phát huy hiệu quả đã giúp xã Tân Nguyên (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) trong những năm qua thay đổi diện mạo, xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân được cải thiện.
Tân Nguyên là xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái với 6/9 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn xã có trên 1.500 hộ với 5.600 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm đa số với khoảng 70%. Những năm trước đây, điều kiện kinh tế - xã hội của Tân Nguyên còn rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, những mô hình kinh tế hiệu quả còn ít, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tại xã, thu nhập chính của người dân từ trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ kinh doanh nhỏ.
Phụ nữ địa phương trao đổi kinh nghiệm nuôi ong
Thời gian qua, được sự đầu tư của ngân sách nhà nước, nhiều công trình tại xã đã được xây dựng mới khang trang, phục vụ tốt cho y tế, giáo dục tại địa phương. Đặc biệt, các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai tại xã đã góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trong giai đoạn 2016 – 2020.
Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng số hộ nghèo tại xã Tân Nguyên là 711 hộ, chiếm tỷ lệ 49,03%. Hàng năm, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự đâì tư nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, Tân Nguyên đã tập trung phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp; quan tâm đến các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, giảm nghèo một cách bền vững. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 5 – 7%. Đến năm 2020, toàn xã chỉ còn 261 hộ nghèo với tỷ lệ là 14,4%.
Đồng thời với việc triển khai các chính sách tín dụng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tập trung vào xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2019 đã đạt 12 tiêu chí và hết năm 2020 đã đạt 14 tiêu chí.
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách do Hội Nông dân xã Tân Nguyên quản lý đều phát huy hiệu quả, toàn xã không phát sinh nợ quá hạn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý hàng tháng 100% đều được xếp loại tốt, không có tổ khá, trung bình và yếu.
Từ nguồn vốn của các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hội viên Hội Nông dân xã đều tư mua hơn 300 con trâu cày kéo và sinh sản, hơn 40 bò nái sinh sản, 200 lợn nái sinh sản, 150 con dê, 24 máy cày bừa cầm tay, phát triển 1.000ha rừng…
Hàng năm, mức thu nhập của hộ nghèo được tăng lên, mỗi năm thoát nghèo từ 25 – 30 hộ; nhiều hộ nghèo có thu nhập cao từ việc phát triển kinh tế đã mua sắm được TV, đồ gia dụng và đầu tư xây nhà cửa, cơ sở vật chất khang trang hơn. Điển hình như hộ gia đình ông La Văn Nam, Vi Văn Chung, Hoàng Xuân Hồng ở thôn Trại Phung; ông Lý Văn Thân ở thôn Khe Cọ. Từ đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, khuyến khích hội viên hăng hái tiếp tục tăng gia sản xuất.
Nguồn vốn tín dụng đã góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phươngvà củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước. Với việc quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần ổn định an ninh quốc phòng và đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Nhiều hộ nông dân đã đầu tư trồng rừng từ nguồn vốn ưu đãi
Có được kết quả trên, Hội Nông dân xã đã tổ chức quản lý tốt các nguồn vốn tín dụng chính sách; chỉ đạo và tổ chức tốt công tác bình xét cho vay, xác nhận đối tượng cho vay, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Thực hiện định hướng cho các hộ gia đình vay vốn đầu tư vào các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại xã Tân Nguyên, có khả năng tiêu thụ sản phẩm tốt.
Cùng với đó xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong các hội viên tại cơ sở, cùng giúp đỡ nhau trong quá trình thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả, thoát nghèo một cách bền vững.
Đồng thời, Hội Nông dân xã Tân Nguyên xây dựng kế hoạch để thực hiện kiểm tra tại thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế, có sự chỉ đạo phù hợp với từng thôn. Thông qua kiểm tra giám sát đã thường xuyên kết hợp hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn.
Để chương trình tín dụng chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, lãnh đạo UBND xã Tân Nguyên đề xuất kéo dài thời hạn cho vay tối đa với chương trình Hội gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, để phù hợp với các khoản vay đối tượng đầu tư có chu kỳ sinh trưởng dài ngày như trồng rừng, trồng cây nguyên liệu. Cùng với đó, để giúp công tác giảm nghèo một cách bền vững, đề nghị sau năm 2020, Chính phủ tiếp tục cho triển khai chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo và thời gian mới thoát nghèo là 5 năm./.
Nguyễn Thìn
Từ khóa: