Lao động
225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Hệ quả của mở trường đại học ồ ạt
02:14 PM 31/05/2016

Hiện nay cả nước có 412 trường ĐH,CĐ tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH,CĐ; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng.

Vừa qua, hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức, đã thống kê Quý 1/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là con số báo động mạnh mà nhiều chuyên gia đã phản ánh. Tuy nhiên, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, dưới góc độ chuyên gia giáo dục cho chúng ta hiểu rõ hơn về thực trạng nguyên nhân thất nghiệp này.

 


Nhiều thí sinh cứ học xong lớp 12 là phải thi đại học (ảnh minh họa)

 

Nhiều thí sinh cứ học xong lớp 12 là phải thi đại học (ảnh minh họa)

 

Quản lý yếu kém

Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, những năm, qua đào tạo đại học tăng khá mạnh về quy mô, số lượng dẫn đến chất lượng còn nhiều bất cập, dư luận xã hội phê phán nhiều. Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo - chuyên viên cao cấp, chủ tịch hội đồng khoa học phát biểu trong hội nghị cán bộ của một số trường đại học thì “Giáo dục Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng, như mở ồ ạt các trường Đại học, Cao đẳng. Tình trạng thương mại hóa giáo dục; quá tải trong học sinh các cấp học, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Đào tạo dàn trải, thừa thầy thiếu thợ, không đáp ứng nhu cầu công việc trong thực tiễn sản xuất...”

Nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam còn hạn chế, theo các chuyên gia đánh giá: Chưa làm chủ được công nghệ truyền tải, kỹ năng chuyên nghiệp yếu, thiếu tư duy sáng tạo, kỹ năng mềm yếu, chưa thâm nhập được vào công việc, năng suất lao động thấp, quan cách trong phục vụ, thụ động trong công việc... Chất lượng đào tạo kém do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể: Năng lực yếu kém của bộ máy tham mưu, quản lý và điều hành giáo dục cấp vĩ mô và vi mô.

Cũng theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, muốn xây dựng nền giáo dục hội nhập thành công trong thời kỳ toàn cầu hoá và kinh tế tri thức đòi hỏi một trình độ chuyên nghiệp cao và một tinh thần trách nhiệm lớn. Trong công tác quản lý vĩ mô giáo dục đã có rất nhiều chương trình, đề án được đầu tư với chi phí lớn, hy vọng mang lại sự đổi mới giáo dục toàn diện, nhưng đem lại kết quả không như mong đợi.

Quản lý tài chính trong toàn ngành yếu kém, thiếu minh bạch, không tạo được niềm tin rằng tăng đầu tư cho giáo dục sẽ tăng chất lượng tương ứng. Ví dụ: Một đề án 6 năm để phát triển giáo dục đại học được đầu tư 115 triệu USD (trong đó vay của World Bank 85 triệu), mới thực hiện được vài năm đã bị WB tạm đình chỉ vì quản lý không hiệu quả... Trình độ chuyên nghiệp của cán bộ trong bộ máy quản lý cấp cao còn hạn chế, trong khi đó tổ chức bộ máy cồng kềnh với nhiều vụ, viện với biên chế lớn, mà năng suất, hiệu quả công việc lại thấp.

Tại các trường đại học cũng lặp lại mô hình đó, sự thiếu chuyên nghiệp cùng với bộ máy quản lý cồng kềnh và sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ là khá phổ biến trong bộ máy điều hành của nhiều trường đại học công hiện nay.

Coi nhẹ chất lượng, chạy theo số lượng

Theo PGS Nguyễn Ngọc Quang, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tình trạng sa sút của giáo dục đại học có một phần trách nhiệm rất lớn của Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường đại học, đặc biệt các trường công lập.

Các trường chạy theo số lượng đào tạo mà coi nhẹ chất lượng. Trong cơ chế tự chủ tài chính nửa vời như hiện nay đã dẫn tới đa số các trường đại học chạy theo số lượng quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên. Hệ quả là một số trường công đua nhau tuyển giảng viên để tăng số lượng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà coi nhẹ chất lượng giảng dạy, để từ đó có điều kiện tuyển số lượng sinh viên mà không quan tâm tới nhu cầu của xã hội và chất lượng đào tạo, dẫn đến lượng sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp ngày càng cao.

Hiện nay cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường đại học, cao đẳng; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân; cao hơn cả các quốc gia phát triển.

Về chương trình đào tạo Chương trình đào tạo đại học của các trường đại học thường xây dựng chưa được công phu, chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động, chưa xuất phát từ điều kiện thực tiễn của nền kinh tế có nhiều biến động. Thông thường xây dựng chương trình đào tạo còn mang tính chủ quan, chưa thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia và doanh nghiệp... Nhiều trường đại học sử dụng chương trình còn sao chép của các trường khác, sau đó cắt bớt tỷ lệ % số tiết theo chủ quan của người xây dựng.

50% sinh viên học đối phó và lười học

Cũng theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, trong nhiều năm qua, số lượng sinh viên đại học chính quy của các trường đại học tăng mạnh, trong khi số lượng giảng viên tăng nhưng chất lượng chưa tương xứng. Có một số giảng viên còn hạn chế về kỹ năng thực tiễn và lĩnh vực học thuật chuyên môn, cũng do nhiều nguyên nhân như khâu tuyển chọn ban đầu chưa kỹ, quá trình đào tạo, sàng lọc ở cấp bộ môn chưa thực sự nghiêm túc.

Về thực trạng của sinh viên hiện nay kỹ năng mềm còn hạn chế, kiến thức cơ bản chưa vững. Do vậy chất lượng của sinh viên có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất khoảng 20% là các sinh viên tích cực, chăm chỉ trong học tập và có thái độ nghiêm túc; Nhóm thứ 2 khoảng 30% là các sinh viên học bình thường; Nhóm thứ 3 khoảng 50% là sinh viên học đối phó và lười học.

Thế nhưng kết quả cấp bằng của một số ngành đưa ra con số đáng kinh ngạc, khoảng 70% bằng giỏi, điều này không những phản ánh không thật về chất lượng đào tạo mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Nhà trường.

Có một số giảng viên lâu năm khi nói về quan hệ thầy - trò hiện nay như sau: “Cơ chế thị trường làm cho thầy sợ trò”, quan niệm này khi phân tích ra là đúng với một số trường, sợ sinh viên bỏ học, Nhà trường mất thu nhập, do vậy thầy cho điểm cao không đúng kiến thức tích lũy của trò.

Nên chăng xóa bỏ Hội đồng trường?

Trong nghiên cứu của mình, PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang đã đưa ra 3 giải pháp cụ thể: Thứ nhất, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức và quản lý bộ máy. Để tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm với xã hội trong tổ chức đào tạo thì bộ máy quản lý của các trường phải tiếp tục được hoàn thiện, như tinh gọn bộ máy, đồng thời phân công, phân cấp hợp lý giữa các bộ phận tránh chồng chéo. Hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các giai đoạn, nhằm giảm số lượng người ở từng mắt xích trong chuỗi công việc.

Đối với Hội đồng trường, thực tế nhiều trường đã thành lập nhưng chưa phát huy đúng chức trách và nhiệm vụ, và còn mang tính hình thức. Nên chăng có thể xóa bỏ để bộ máy bớt cồng kềnh.

Thứ hai, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính Quản lý tài chính đóng vai trò quan trọng trong cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học hiện nay. Đây là vấn đề then chốt nhằm đảm bảo quá trình tự chủ và tự chịu trách nhiệm được thực hiện đầy đủ, khách quan, công bằng và minh bạch. Đây cũng là tiền đề để Nhà trường ổn định và phát triển bền vững.

Thứ ba, các trường tự chủ về kế hoạch, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên Các trường cần hoàn thiện các quy định, quy trình liên quan đến phân cấp, quản lý đào tạo để tiếp nhận và thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trong tổ chức đào tạo.

Giảng viên các trường đại học phải là nhà nghiên cứu khoa học phục vụ cho chuyên môn đào tạo của mình, thường xuyên nghiên cứu cái mới và công khai trên các tạp chí để thảo luận cùng với các độc giả và đồng nghiệp.

Nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại các trường đại học trong giai đoạn hiện nay là vấn đề nan giải trong bối cảnh chung của giáo dục đại học Việt Nam. Giải quyết bài toán chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi phải có thời gian, cần phải có những chuyển động tích cực từ các trường đại học trong đó Hiệu trưởng là người đứng đầu phải giải quyết vấn đề này.

dantri.com.vn

Từ khóa: