Lao động
Bắc Ninh chú trọng giải quyết việc làm
12:39 PM 28/03/2017
Trong những năm qua tỉnh Bắc Ninh luôn coi giải quyết việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tỉnh đã quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bắc Ninh giải đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020 và nhiều đề án, chương trình, chính sách về giải quyết việc làm.
Hiện nay Bắc Ninh có 15 KCN-Đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 25 cụm công nghiệp làng nghề. Các KCN-Đô thị đi vào hoạt động với gần 1.000  doanh nghiệp FDI vào đầu tư với các thương hiệu lớn như Samsung, Canon, Microsoft…Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp vốn nước ngoài đã tác động tích cực, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy công tác giải quyết việc làm của tỉnh trong những năm qua đã đạt được  kết quả quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Số lao động được giải quyết hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, bình quân hàng năm giải quyết 26.000 -27.000 lao động. Trong đó giải quyết việc làm trong nước khoảng 25.000 người, xuất khẩu lao động 1.500 người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị luôn duy trì ở mức thấp, năm 2016 là 3,2%.

Các doanh nghiệp FDI thu hút lực lượng lao động trẻ

 Bên cạnh đó tỉnh đưa ra nhiều  biện pháp hỗ trợ giải quyết việc làm như phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đến năm 2020. Các trung tâm dịch vụ việc làm được quan tâm đầu tư. Đặc biệt là sàn giao dịch việc làm thuộc Trung tâm dịch vụ việc là Sở Lao động được sự quan tâm đầu tư của Bộ Lao động – TBXH và của tỉnh đã góp phần rất lớn hỗ trợ người lao động tìm việc làm và cung ứng lao động kịp thời cho các doanh nghiệp giúp thu nhập của người lao động được nâng lên.

 Mặc dù chất lượng việc làm đã được nâng cao, song chưa đồng đều ở các khu vực kinh tế do vậy điều kiện lao động, thu nhập của lao động giữa các khu vực kinh tế, giữa các loại hình doanh nghiệp có sự khác nhau rõ rệt, giữa lao động quản lý với công nhân lao động trực tiếp có sự chênh lệch lớn. Việc làm của người lao động trong khu vực nông nghiệp, dịch vụ và xây dựng còn thiếu ổn định. Các biện pháp hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm như tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Đặc biệt hiện nay việc sinh viên Đại học, cao đẳng, trung cấp ra trường không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo là khá phổ biến. Thực tế, các doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động hầu hết là doanh nghiệp FDI. Đặc điểm sử dụng lao động của các doanh nghiệp này là yêu cầu về trình độ kỹ năng cao; tuyển dụng lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp rất thấp, chỉ chiếm khoảng 15% số lao động trong doanh nghiệp, còn lại 85% là lao động phổ thông và chủ yếu là lao động nữ.
Nhiều học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong các doanh nghiệp FDI cho thấy những bất hợp lý khi xác định cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa sát với nhu cầu của thị trường. Chất lượng đào tạo tuy được nâng lên nhưng  một số sinh viên ra trường vẫn thiếu  kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm, nhất là cho các đối tượng có bằng đại học, cao đằng, trung cấp vào các doanh nghiệp trước hết cần thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh, đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý. Phân tích thông tin thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn cho người lao động lựa chọn ngành nghề học phù hợp với khả năng vànhu cầu thị trường. Tiếp tục đầu tư có trọng điểm cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập. Xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt nhiều cấp trình độ, thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, nhằm  đào tạo có địa chỉ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. 
Tập trung cải cách hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển.
Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động. Tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài.Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong việc tuyên truyền, tuyển chọn lao động tại địa phương.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người lao động trong việc tìm kiếm việc làm như: công tác tư vấn giới thiệu việc làm, dự báo và thông tin thị trường, công tác định hướng đào tạo, hoạt động của sàn giao dịch việc làm, giúp người lao động và người sử dụng lao động có thông tin đầy đủ về cung cầu lao động.

Đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ cho lao động ngoại tỉnh tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ công của địa phương, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu nhà trọ giúp cho người lao động yên tâm làm việc và sinh sống ổn định.

Theo Báo Bắc Ninh

Từ khóa: