Xã hội
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực do các tác động của đại dịch
05:01 PM 12/09/2021
LĐXH- Bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ đã là mối quan tâm lớn ở Việt Nam từ trước đại dịch và đang có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn bởi việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn COVID-19, ảnh hưởng đến nhiều trẻ em và phụ nữ. Sự gia tăng căng thẳng về kinh tế, sự cô lập và căng thẳng trong các gia đình trong thời gian cách ly cộng đồng; các yếu tố làm gia tăng nhiều vụ bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ. Kỷ luật bạo lực và bạo lực gia đình tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.

Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến trẻ em, từ gián đoạn việc học tập đến cô lập xã hội và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong các vấn đề này, mối quan tâm về bảo vệ trẻ em - đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em và bị chia tách với người chăm sóc - đã được đặc biệt chú trọng. Suốt thời gian dài dịch bệnh xảy ra, các quy định về giãn cách xã hội dẫn đến sự chôn chân trong nhà khiến các bậc phụ huynh không còn đủ thời gian và kiên nhẫn đối với trẻ nhỏ. Chính vì thế, nguy cơ về lạm dụng trẻ em, bao gồm lạm dụng tình dục, là không thể tránh khỏi.

Trên thực tế, bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ đã là mối quan tâm lớn ở Việt Nam từ trước đại dịch và đang có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn bởi việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn COVID-19, ảnh hưởng đến nhiều trẻ em và phụ nữ. Sự gia tăng căng thẳng về kinh tế, sự cô lập và căng thẳng trong các gia đình trong thời gian cách ly cộng đồng; các yếu tố làm gia tăng nhiều vụ bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ. Kỷ luật bạo lực và bạo lực gia đình tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.

Theo bà Nguyễn Thị Y Duyên (tổ chức UNICEF) cho rằng bạo lực làm tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội của nạn nhân, không chỉ tức thời mà rất lâu dài. Trẻ em bị bạo lực từ bé sẽ bị ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và trí tuệ, kém tự tin, giao tiếp xã hội kém hơn, và ít thành công trong cuộc sống sau này so với những người cùng trang lứa. Hậu quả của bạo lực không chỉ ảnh hưởng tới trẻ em và gia đình mà còn tác động tiêu cực lên toàn xã hội.

Một đánh giá nhanh trên quy mô nhỏ về bạo lực trong COVID-19 (năm 2020) thực hiện bởi UNICEF, UNFPA, UN Women và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ ra: Ba phần tư trẻ em phải trải qua môt số hình thức xâm hại trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, tỉ lệ này còn cao hơn ở những vùng nông thôn; Bạo lực tinh thần là một trong những hình thức bạo lực phổ biến  chiếm tỉ lệ 2 phần 3 (66,9%). Cứ 10 trẻ thì có một trẻ đã trải qua một số hình thức xâm hại hoặc quấy rối tình dục; Hơn một trong ba phụ nữ phải hứng chịu ít nhất là một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tình cảm, hành vi hoặc kinh tế do chồng hoặc bạn tình của họ gây ra trong thời kỳ COVID-19. Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số phụ nữ không chia sẻ hoặc báo cáo trải nghiệm của mình với bất kỳ ai và chỉ 20% trẻ em tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp bạo lực. Kết quả cho thấy các nạn nhân của bạo lực có rất ít khả năng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ.

Trong mọi chính sách, quyết định và hướng dẫn liên quan đến công tác phòng chống đại dịch cần đảm bảo bảo vệ tốt nhất cho trẻ em
(Ảnh minh họa)

Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF, cho rằng mặc dù đã có nhiều bước quan trọng được thực hiện để đảm bảo tất cả trẻ em dưới 16 tuổi được chăm sóc đầy đủ dù ở nhà hay ở các cơ sở cách ly, vẫn còn nhiều việc cần phải làm và chúng ta phải thận trọng trong việc giám sát và ứng phó với những trường hợp đó khi chúng xảy ra và cập nhật hướng dẫn cho phù hợp. Nhu cầu về các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp để ứng phó với các trường hợp trẻ em có nguy cơ và là nạn nhân của bạo lực, xâm hại đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngoài ra, trẻ em còn phải đối mặt với nhiều thách thức: thiếu kết nối, giao tiếp với bên ngoài dẫn đến bất ổn về mặt tinh thần, có nguy cơ tụt hậu về học tập, phát triển tình cảm- xã hội nhất là nhóm trẻ em vùng sâu xa, trẻ khuyết tật… Việc tiếp cận các dịch vụ y tế và dinh dưỡng thiết yếu, tiêm chủng định kỳ, nước sạch, vệ sinh  cũng bị ảnh hưởng. Trong khi Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc cung cấp một mạng lưới an toàn cho những người dễ bị tổn thương nhất thông qua viện trợ khẩn cấp trong thời kỳ COVID, vẫn còn những gia đình dễ bị tổn thương nhất và con cái của họ đang bị bỏ sót và cần được hỗ trợ khẩn cấp thông qua một hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả và có tính thích ứng cao hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, theo bà Lesley Miller, các giải pháp tốt nhất cần được xác định trên tinh thần lợi ích tốt nhất, quyền và sự bảo vệ tốt nhất của trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách, quyết định và hướng dẫn liên quan đến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19. Các chính sách này phải lấy trẻ em làm trung tâm và thừa nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, chăm sóc, bảo vệ và tâm lý xã hội của trẻ em.

Trưởng đại diện UNICEF khuyến nghị các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng cần được tiếp tục nhằm: ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ, đảm bảo phụ nữ và trẻ em biết và sử dụng các dịch vụ bảo vệ, đồng thời giúp các gia đình và trẻ em đối phó với căng thẳng do COVID-19 gây ra.

Cán bộ, nhân viên tuyến đầu tiếp xúc với trẻ em cần được trang bị khẩn cấp kiến thức và kỹ năng về bảo vệ trẻ em, bao gồm cả việc ngăn ngừa việc chia tách gia đình không cần thiết.

Khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các trường học phải được mở đầu tiên. Các chương trình đặt mục tiêu  quan trọng để đưa tất cả trẻ em và thanh thiếu niên trở lại trường học, nơi các em có thể tiếp cận các dịch vụ phù hợp để được đáp ứng nhu cầu cần thiết về học tập và tâm lý xã hội. Tương tự như vậy, các dịch vụ y tế và dinh dưỡng thường xuyên phải được tái thiết để đảm bảo rằng trẻ sơ sinh và trẻ em bắt kịp với việc chăm sóc sức khỏe và tiêm phòng vắc xin cần thiết.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc và bảo vệ ngày càng tăng do đại dịch COVID-19 gây ra và để bền vững lâu dài hơn, điều quan trọng là phải tăng cường hơn nữa hệ thống bảo trợ xã hội và nâng cao năng lực của lực lượng cán bộ công tác xã hội bằng cách đào tạo các nhân viên xã hội chuyên nghiệp để họ có thể đánh giá, chuyển tuyến và cung cấp các dịch vụ bảo vệ cho trẻ em và phụ nữ, đặc biệt là những người có nguy cơ và là nạn nhân của bạo lực.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, “dữ liệu về số trẻ em bị nhiễm Covid-19, và số trẻ em trong diện cách ly là rất cần thiết.  Bằng chứng về tác động của COVID-19 đối với trẻ em cũng cần thiết để xây dựng các giải pháp đáp ứng phù hợp”, bà Lesley Miller nhấn mạnh.

Đăng Doanh

Từ khóa: