Xã hội
BHXH Việt Nam: Đề xuất giải quyết chế độ BHXH đối với người bị cách ly do virus Corona
03:29 PM 18/02/2020
(LĐXH) – BHXH Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động bị buộc thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch viêm đường hô hấp cấp chủng mới Corona.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra và căn cứ các quy định pháp luật, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế.
Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người bị cách ly y tế gồm: trường hợp điều trị nội trú (giấy ra viện); trường hợp điều trị ngoại trú (giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú. Tuy nhiên, đối với người bị cách ly y tế mà không mắc bệnh truyền nhiễm thì không được cấp những giấy tờ này.
BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch Corona
Đối với trường hợp cách lý tại cơ sở (ngoài nhà riêng) thì cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn (nếu có).
Đối với trường hợp cách ly tại nhà, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Y tế đồng ý để Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.
Ngày 1/2/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Mức độ nguy hiểm của dịch được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tại Khoản 1, Điều 4 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định “Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly”. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 101/2010/NĐ-CP, thì các biện pháp cách ly y tế bao gồm: Cách ly y tế tại nhà; cách ly tại cơ sở y tế; cách ly tại cửa khẩu và cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác.
Điều 25 Luật BHXH về điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ đang tham gia BHXH, thì NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải là TNLĐ phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở KCB có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Như vậy, đối với người bị cách ly y tế mà không bị mắc bệnh truyền nhiễm không phải là trường hợp ốm đau và không phải điều trị, nhưng bị bắt buộc nghỉ việc để phòng dịch thì còn liên quan đến quyền lợi về BHXH.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ LĐ-TB&XH đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế.
Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người bị cách ly y tế, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 100 Luật BHXH; Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT, hồ sơ gồm: Trường hợp điều trị nội trú (giấy ra viện); trường hợp điều trị ngoại trú (giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú. Tuy nhiên, đối với người bị cách ly y tế mà không mắc bệnh truyền nhiễm thì không được cấp những giấy tờ này.

Nam Khánh

 

 

Từ khóa: