Xã hội
Bình đẳng giới vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển
04:30 PM 09/11/2018
Theo Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới. Bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mục tiêu của thúc đẩy đẩy bình đẳng giới là hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tại sao có thể nói bình đẳng giới vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển? Bởi vì thực hiện bình đẳng giới là thực hiện sự bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Bình đẳng giới là một trong những nội dung vô cùng quan trọng của bình đẳng. Mà bình đẳng cùng với tự do là hai thành tố làm nên dân chủ và khi thấy rõ vai trò của dân chủ ta sẽ thấy được vai trò của bình đẳng giới.
Các nghiên cứu cho thấy : Nền dân chủ thực sự cấp quốc gia đầu tiên ra đời năm 1906 tại Phần Lan, khi đó bãi bỏ mọi yêu cầu về chủng tộc, giới tính và đi bầu cử…(Phần Lan là quốc gia đầu tiên trao quyền cho phụ nữ đi bầu cử, đây cũng là quốc gia đầu tiên hợp thức hóa quyền bầu cử phổ thông). Đây cũng là quốc gia có chỉ số cao về dân chủ và cũng là một trong những quốc gia được cho là tốt nhất cho phụ nữ sinh sống và làm việc.
ThS. Đào Ngọc Thịnh – Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động Thương binh & Xã hội
phát biểu tại Hội thảo về văn hóa Doanh nghiệp do báo Người Hà Nội tổ chức
Ở Việt Nam quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã được thể hiện rõ trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và ngay trong bản Hiến Pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 và ngày càng được bổ sung hoàn thiện sau 5 lần thay đổi Hiến Pháp (Ngay ở Mỹ, Hiến Pháp ban hành năm 1789 và mãi đến năm 1920 phụ nữ mới được ghi nhận có quyền bình đẳng với nam giới về bầu cử và ứng cử). Đặc biệt có một dấu mốc quan trọng là Việt Nam ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006. Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 với 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể.
Bình đẳng giới là một trong những nội dung của dân chủ. Mà “Pháp luật là bà đỡ cho dân chủ”, nghĩa là pháp luật cũng là bà đỡ cho bình đẳng giới.
Để thức đẩy bình đẳng giới phải cần nhiều giải pháp, trong đó có ba giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường pháp chế về bình đẳng giới, nghĩa là rà soát, bổ sung, ban hành đầy đủ các loại văn bản liên quan đến bình đẳng giới: các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng; các văn bản luật và dưới luật; các loại quy chế, quy định, nội quy của cơ quan đơn vị; các quy định, hương ước của dòng họ, tổ, thôn , xóm; các quy định, nội quy của gia đình…
Thứ hai, thường xuyên nâng cao năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) về bình đẳng giới cho cả nam và nữ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trong gia đình, cơ quan đơn vị và ngoài xã hội
Thứ ba, tăng cường kiểm tra giám sát, tuyên dương, phê bình, khen thưởng kịp thời, đưa bình đẳng giới thành một tiêu chí để đánh giá thành tích của cá nhân và tập thể hàng năm.
Về giải pháp thứ hai, thường xuyên nâng cao năng lực cho cán bộ, đây là giải pháp quan trọng nhất, bởi vì như Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “ Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, có cán bộ tốt sẽ thực hiện được hai giải pháp còn lại. Muốn nâng cao năng lực về bình đẳng giới, thì phải thực hiện tốt các nội dung sau đây:
Một là, trong  mỗi gia đình phải coi trọng con trai và con gái như nhau, trẻ em trai và trẻ em gái có quyền và cơ hội như nhau trong học tập, vui chơi, giải trí, giúp việc bố mẹ…(đừng để như câu chuyện đã từng xảy ra: khi cô giáo hỏi, em mong nhất điều gì, một em gái trả lời rằng em muốn em là con trai, hỏi ra mới biết, em trai của em trong gia đình được ông bà, bố mẹ ưu ái nhiều quá…). Bố mẹ thể hiện công bằng với con là phải luôn luôn tạo cho các con có cơ hội như nhau trong học tập, rèn luyện và hưởng thụ. Muốn vậy, trong gia đình rất cần bố mẹ hướng dẫn các con xây dựng một số quy định về quyền và bổn phận của các con, sao cho đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch để các con dễ làm, dễ thực hiện và bố mẹ cũng dễ giám sát, đôn đốc. Ngay công việc nhà của bố mẹ, cũng phải có phân công, để vợ chồng hỗ trợ lẫn nhau. Khi các con lớn lên, các con lại học gương của bố mẹ, để cùng san sẻ công việc với nửa kia của mình. Nói thế thôi, làm được điều này đòi hỏi kiên trì, cố gắng của mọi thành viên.  
Trong gia đình, vợ chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong quyết định các nguồn lực trong gia đình và người vợ cũng có quyền tự quyết định công việc của mình, nếu vợ yêu thích công việc nhà, hoàn toàn tự nguyện muốn làm việc nhà, và thấy rằng đó là niềm vui và hạnh phúc thì người chồng tôn trọng quyết định của vợ và tạo cho cô ấy có cơ hội tốt nhất hoàn thành công việc của mình. Bên cạnh đó người chồng cũng phải quan tâm, chia sẻ công việc cùng vợ, vẫn tự đăng ký đảm nhận một số việc nhà để bớt gánh nặng lên người vợ.  
Các ông chồng muốn vợ “Giỏi việc nước” thì phải quan tâm chia sẻ việc nhà với vợ theo phương châm giúp vợ “Giảm việc nhà”. Thực tế, chúng ta hãy quan sát các quán bia sau 5h chiều tại các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…có tới 95% là nam, tìm mãi mới nhìn thấy lác đác vài chị phụ nữ. Điều này chứng tỏ rằng việc đón con, chăm con, nấu cơm, quét dọn nhà (những việc không tên này) đều trên vai của phụ nữ. Không những thế khi các anh nhậu lâu, nhậu say rồi khi về nhà đâu còn tỉnh táo, khi đó quát vợ, mắng… đó là chưa nói đến tai nạn giao thông, khi đó hậu quả là đổ bao nỗi vất vả chồng chất lên đầu phụ nữ.
Nguyên nhân là cả hai phía: đàn ông cứ nhậu sau giờ làm việc thành quen, chị em phụ nữ lại cam chịu. Có lẽ phải tăng cường truyền thông cho cả 2 phía: Công đoàn, lãnh đạo cơ quan phải luôn nhắc nhở nam giới chia sẻ công việc hàng ngày với vợ, tuyên truyền giáo dục phụ nữ ngay cả từ lúc chưa xây dựng gia đình. Ngay từ sau ngày cưới, phụ nữ phải rất chủ động bàn bạc phân chia công việc gia đình sao cho hợp lý.  Tất cả theo nguyên tắc, mọi việc phải ngay từ buổi đầu, ngay từ lần đầu, đôn đốc nhắc nhở nhiều lần để thành thói quen, theo phương châm “lạt mềm buộc chặt”. Phụ nữ cũng phải động viên khi chồng làm được một việc gì việc tốt trong gia đình, dù là việc nhỏ. Nếu sống chung cùng bố mẹ chồng, thì trách nhiệm cả vợ và chồng phải thuyết phục bố mẹ chồng về công bằng, bình đẳng với trẻ em trai và trẻ em gái.
Khi bố mẹ viết di chúc, là con trai trong gia đình cũng phải đề đạt được với bố mẹ là chia cho con trai và con gái như nhau vì các con đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với bố mẹ. Đó cũng là điều đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về thừa kế.
Hai là, trong dòng họ. Hiện nay đa số các dòng họ đều có quy ước, đang làm tốt việc xây dựng tinh thần đoàn kết, khuyến học, khuyến tài. Nam giới trong dòng họ cũng phải đề nghị, không nên phân biệt đàn ông mới là quy định xuất đinh để đóng góp, mà nên thay đổi, dù trai hay gái có trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau đối với dòng họ, cũng như trẻ em trai và trẻ em gái được phần thưởng như nhau của dòng họ, khi có thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Đặc biệt trong dòng họ phải đưa vào quy ước: Không được khích bác, kê kích, đàm tếu, phân biệt những cặp vợ chồng chỉ sinh con gái…
Ba là, trong quy ước, hương ước, quy định của thôn, tổ, xóm, làng không được phân biệt con trai và con gái, đàn ông và đàn bà, mọi trách nhiệm và quyền lợi phải công bằng như nhau. Chẳng hạn đóng góp để tôn tạo đường đi cũng quy định mức như nhau, khen thưởng động viên khi có thành tích cũng phải như nhau.
Bốn là, trong cơ quan đơn vị, cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo các đoàn thể không phân biệt đối xử về giới trong mọi công việc liên quan đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động (như quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, phân công công việc…). Đặc biệt cơ quan phải là nơi tuyên truyền vận động tốt nhất trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới. Điều 6 Luật Bình đẳng giới đã ghi rõ: “Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân”.
Mọi điều chúng ta làm, mọi cống hiến của chúng ta trong thúc đẩy bình đẳng giới là để mong muốn có một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định rằng: có dân chủ, đoàn kết và đồng thuận sẽ có thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển./.

Đào Ngọc Thịnh

 

 

 

 

 

Từ khóa: