(LĐXH)-Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định đã có văn bản triển khai đến các địa phương trong tỉnh rà soát nhu cầu đào tạo của người lao động, các ngành nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Sở cũng tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề gắn với địa chỉ sử dụng lao động; ưu tiên tổ chức đào tạo nghề đối với lao động nông thôn (LĐNT) thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.
Lớp dạy nghề cho lao động nông thôn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND ban hành Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 07/3/2022 về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các huyện và xã trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đồng thời, từ kinh phí chi sự nghiệp đào tạo nghề địa phương năm 2022, đã được UBND tỉnh Bình Định phân bổ cho Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 4950/QĐ-UBND ngày 13/12/2021, Sở đã ban hành Kế hoạch số 1086/KH-SLĐTBXH ngày 05/5/2022 triển khai mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2022, nhằm mục đích xây dựng, tổ chức nhân rộng các mô hình đào tạo nghề LĐNT có hiệu quả tại các vùng chuyên canh nông nghiệp, vùng đồng bào DTTS, miền núi, huyện nghèo, các xã xây dựng nông thôn mới và làng nghề sinh vật cảnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn. Đối tượng tham gia học nghề là người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh; ưu tiên các đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ sở đăng ký tham gia đào tạo nghề theo mô hình phải đảm bảo các điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có đăng ký chỉ tiêu và triển khai tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho người lao động. Cùng với đó, Sở cũng đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nghề, nhóm nghề nông nghiệp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để xây dựng kế hoạch triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025.
Lớp dạy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng cho lao động nông thôn xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước
Kết quả, trong 06 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 5.095 người, riêng tạo nghề cho lao động nông thôn là 542 người, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.890 triệu đồng, trong đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để đào tạo các mô hình: Trồng dâu nuôi tằm; Kỹ thuật chế biến món ăn; Nuôi tôm thẻ chân trắng; Trồng rau an toàn; Nuôi và phòng trị bệnh cho Trâu, Bò cho 232 lao động nông thôn.
Thời gian tới, Sở sẽ đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo theo kế hoạch; đào tạo nghề gắn với địa chỉ sử dụng lao động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu tuyển sinh đào tạo đạt chỉ tiêu theo kế hoạch, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 3.500 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60% theo mục tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành nghề nông nghiệp, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản đáp ứng như cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao (theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025)./.
PV