Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp
(LĐXH) –Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh Bộ đang đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và tháo gỡ những khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch. Điều này khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ là đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Cùng doanh nghiệp “vượt khó” trong đại dịch
Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.Công nhân khu công nghiệp xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định: Ngay từ đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Ở những nơi, những thời điểm dịch bệnh chưa bị ảnh hưởng nhiều, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và ứng dụng các giải pháp, công nghệ số để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhất là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
Khi dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt tự thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn về tài chính vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp Việt Nam đối với đất nước. Nhiều sáng kiến được triển khai như ATM gạo, bữa cơm miễn phí, siêu thị 0 đồng... đã tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điểm đáng quan tâm là đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới “thành trì” là các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Nguyên Hạnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều công ty thuộc Tập đoàn vẫn hoàn thành kế hoạch sản xuất, thậm chí hoàn thành vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, do thiếu hụt đơn hàng, nhiều người lao động thuộc Tập đoàn đã phải ngừng việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất trước mắt và kế hoạch phát triển dài hạn của Tập đoàn nói riêng và của ngành dệt may nói chung.
Bên cạnh đó, vấn đề tiêm chủng vaccine cho người lao động cũng đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Tập đoàn, khi lượng tiêm chủng hiện nay còn hạn chế, chủ yếu tập trung tại các cơ sở sản xuất nằm trong cụm công nghiệp, khu chế xuất tại Bắc Giang và TP. Hồ Chí Minh.
Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhấn mạnh: Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH và các Bộ, ngành liên quan đã kịp thời ban hành, chỉ đạo, tổ chức triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với các chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg. Hiệp hội Dệt may đánh giá, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 không những chính sách hỗ trợ, mà còn là chính sách “cứu” người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn này.
Ông cũng đề xuất điều chỉnh tăng số giờ làm thêm của người lao động để vừa kịp thời hoàn thành đơn hàng trong bối cảnh dịch bệnh, vừa không vi phạm quy định của pháp luật lao động. Đồng thời kiến nghị Bộ LĐTB&XH làm việc với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động bằng Quỹ Công đoàn.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và Bộ, ngành, địa phương diễn ra vào sáng 08/8/2021, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ đang đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và tháo gỡ những khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Các Bộ, ngành và địa phương đang tích cực, chủ động triển khai thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg. Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam, đã khẩn trương phê duyệt danh sách và chi trả hỗ trợ tiền mặt cho nhóm lao động tự do và các đối tượng đặc thù, kịp thời hỗ trợ người dân bảo đảm cuộc sống.
Theo Bộ trưởng, vấn đề sống còn của các doanh nghiệp chính là duy trì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa, nhưng đồng thời phải đảm bảo, duy trì cung ứng lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã kiến nghị với Chính phủ phải rà soát lại toàn bộ các chính sách hiện tại, đề xuất các chính sách mới có tính chất căn cơ, chính sách trước mắt và lâu dài để phục hồi sản xuất, phục hồi doanh nghiệp phát triển, trong đó coi trọng chính sách tài khóa - là chính sách hàng đầu các quốc gia đang thực hiện.
"Tôi đề nghị Chính phủ ngoài việc chăm lo việc tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, đối tượng yếu thế và người già, người cao tuổi, thì cần ưu tiên và thực hiện ngay việc hỗ trợ, tập trung tiêm vaccine cho khu vực tăng trưởng, cho đội ngũ công nhân khu công nghiệp, chuỗi cung ứng, lao động trong lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ dịch bệnh cao, cho đội ngũ chuyên gia - Đây chính là nền tảng để tăng trưởng" - Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng làm rõ kiến nghị liên quan tới việc quyết toán thuế năm 2020 để doanh nghiệp được hỗ trợ; tiếp thu các ý kiến doanh nghiệp về giấy phép với lao động nước ngoài để tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất; vận dụng Nghị quyết cho phép của Quốc hội để có thể làm thêm quá 40 giờ mỗi tháng…
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH khẳng định tiếp tục đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”./.
Nguyễn Lại Thìn
Từ khóa:
-
Nam Định triển khai thực hiện Chương trình Việc làm tốt hơn
11-12-2024 17:05 11
-
Nam Định: Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
18-12-2024 15:13 12
-
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng): Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, thị trường lao động
23-12-2024 10:15 28
-
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
20-12-2024 18:46 03
-
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
15-12-2024 10:51 31
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
16-12-2024 15:54 43
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00