Lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước
03:19 PM 25/11/2016
LĐXH - Sáng ngày 25/11/2016, tại Trụ sở Bộ Lao động-TBXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước về tình hình hoạt động và công tác xuất khẩu lao động.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp; đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Tổng cục Dạy nghề, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo
Báo cáo với Bộ trưởng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã sơ lược về chức năng nhiệm vụ, tình hình hoạt động quản lí Nhà nước của Cục và công tác xuất khẩu lao động trong thời gian qua. Theo đó, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả khả quan với số lượng lao động tăng dần theo hàng năm, chất lượng không ngừng được nâng cao. Số lượng doanh nghiệp được cấp giấy phép XKLĐ hiện nay là 277 doanh nghiệp, cung ứng lao động cho một số thị trường tiếp nhận lao động chủ yếu như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Đông và một số thị trường khác. Trong giai đoạn 2010 – 2015, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng  450.000 người. Trong 11 tháng đầu năm 2016, đã có 108.530 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 108% so với kế hoạch. Dự kiến cả năm 2016 có khoảng 115.000 người đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước báo cáo tình hình đưa
lao động Việt Namđi làm việc ở nước ngoài
Hiện nay, Cục đang nghiên cứu để đề xuất những điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới; đồng thời tổ chức hậu kiểm với các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép để đảm bảo chỉ các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện mới tiếp tục được hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện, Cục cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc về công tác tổ chức cán bộ và công tác cấp giấy phép. Cụ thể, theo Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2014 không có quy định về “vốn pháp định” và tài liệu để chứng minh “vốn pháp định”. Điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lập hồ sơ và cho cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xác định vốn pháp định của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Cục sẽ trình Bộ vận dụng các quy định hiện hành để áp dụng khi thẩm định điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp làm thủ tục đề nghị cấp, cấp đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Một số nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch năm 2017:
- Báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg; hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 37/2006/TT-BTC ngày 09/5/2006 của Bộ Tài chính để triển khai Luật phí và lệ phí;
- Tổ chức Hội nghị với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để các doanh nghiệp đối thoại với Bộ trưởng;
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh hoạt động đưa lao động sang Đài Loan, Nhật Bản, Ả rập – Xê út theo văn bản hướng dẫn của Bộ;
- Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trong việc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản và các thị trường khác (hiện Hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục đã thực hiện được yêu cầu này);
- Phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam có các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, giám sát các hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để phát hiện và cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ xử lý các vi phạm;
- Phấn đấu năm 2017 tiếp tục đưa được từ 100.000 đến 115.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70-80% là lao động đã qua đào tạo; duy trì đưa được từ 60.000 đến 65.000 lao động mỗi năm sang làm việc tại Đài Loan, 20.000 đến 35.000 lao động sang Nhật Bản;
- Trình Chính phủ ban hành Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp làm rõ một số vấn đề liên quan tới XKLĐ
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, qua 9 năm triển khai Luật đưa người đi lao động nước ngoài, việc cấp phép hiện nay cho doanh nghiệp còn lỏng lẻo... Việt Nam là một trong 12 nước tham gia tiến trình Colombo – đưa người đi xuất khẩu lao động (tuyển chọn, giáo dục định hướng người lao động trước khi đi, đào tạo nghề ngắn hạn trước khi xuất khẩu, quản lý bảo hộ công dân). Tỷ lệ lao động bỏ trốn còn cao dẫn đến khó mở rộng thị trường tiếp nhận lao động, cần có lộ trình cụ thể để giảm tình trạng này...
Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, thời gian tới chúng ta cần củng cố quy định cụ thể về cải cách thủ tục hành chính; công tác thông tin cần công khai, minh bạch; quy trình thủ tục doanh nghiệp đăng ký hoạt động; sửa đổi biểu mẫu tại Thông tư 21; chấn chỉnh bộ máy, cơ sở vật chất của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng người lao động về ngoại ngữ và kỷ luật lao động...
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác xuất khẩu lao động thời gian qua, góp phần quan trọng trong đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm cho thanh niên, học sinh, mang lại lợi ích kinh tế đối với đất nước.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần nghiên cứu đề xuất sửa Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Tinh giản bộ máy, kiện toàn nhân sự, phân công nhiệm vụ cụ thể; Chấn chỉnh việc cấp phép cho doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Rà soát lại 100% doanh nghiệp, nếu đủ điều kiện sẽ cấp phép. Xem xét thời hạn cấp phép để tránh lạm dụng; Tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phối hợp với các cơ sở dạy nghề đào tạo, bồi dưỡng định hướng cho người lao động; Giữ vững thị trường lao động truyền thống (như  Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tiên phong tìm kiếm thị trường mới; Phối hợp với các đơn vị, đặc biệt là Văn phòng Giảm nghèo đưa lao động ở các huyện nghèo đi xuât khẩu lao động...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Quyết định nghỉ chế độ cho đ/c Nguyễn Ngọc Quỳnh,
Cục trưởng Cục Quản lí lao động ngoài nước
Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao Quyết định nghỉ chế độ cho đồng chí Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước./. 
Như Ngọc
 

 

Từ khóa: