Lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam
04:21 PM 17/12/2016
LĐXH - Sáng 17/12/2016, tại Trụ sở Bộ Lao động-TBXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Kunio Umede, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với Đại sứ Nhật Bản
Cùng dự buổi làm việc có ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ; ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước...
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thông báo sơ bộ về chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản trong thời gian sắp tới. Bộ trưởng cho biết, chuyến công tác tại Nhật Bản lần này sẽ gặp gỡ, trao đổi với Tổ chức nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan), một số nghiệp đoàn Nhật Bản về tình hình việc làm, công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản; thăm, gặp gỡ người lao động Việt Nam tại Nhật Bản; làm việc với Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản nhằm thúc đẩy qua hệ lao động, an sinh xã hội giữa hai nước, đồng thời chuẩn bị cho chuyến thăm cấp cao của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản thời gian tới. 
Tiếp đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá về sự hợp tác tốt đẹp giữa hai bên trong công tác tuyển dụng, tiếp nhận người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý và tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Hiện, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Việt Nam hiện có khoảng 190 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, với mong muốn  sang làm việc ở Nhật Bản nhằm tiếp cận công nghệ, học tiếng Nhật, tiếp cận kỹ năng, cách ứng xử của người Nhật sau này về nước có điều kiện làm việc, phát triển kinh tế... vì vậy mong muốn hai bên cùng phối hợp tốt hơn nữa và bàn giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho các đối tượng này. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, người lao động Việt Nam cần đào tạo kỹ năng làm việc, ngăn chặn tình trạng bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản...
Sau khi cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dành thời gian tiếp đón, Đại sứ Kunio trao đã đổi về 3 vần đề cơ bản của lao động Việt Nam, gồm: Ứng viên hộ lý, điều dưỡng; Tu nghiệp sinh; công tác đào tạo nghề. Thời gian tới sẽ trao đổi với cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tổ chức ngày hội việc làm để giao lưu gặp gỡ giữa doanh nghiệp và các sinh viên sắp tốt nghiệp hoặc sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm để từng bước giải quyết việc làm cho đối tượng này. Đại sứ Kunio cho biết, hiện nay có khoảng 72 ngàn tu nghiệp sinh Việt nam đang học tập, làm việc tại Nhật Bản và 60 ngàn du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản. Các tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng làm việc cũng như tác phong, kỷ luật học tập, làm việc. Đối với chương trình đào tạo dạy nghề, Nhật Bản đang hợp tác với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, tiến tới, Nhật Bản sẽ triển khai viện trợ vốn vay, cung cấp trang thiết bị dạy nghề và hợp tác kỹ thuật trong năm 2017.
Tiếp theo, Đại sứ Nhật cho biết thêm, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự thảo mới nhằm thúc đẩy, mở rộng các ngành nghề cho thực tập sinh học tập và làm việc, tăng cường kiểm soát, quản lý các tổ chức tiếp nhận thực tập sinh. Theo đó, thực tập sinh ưu tú được gia hạn thời gian làm việc từ 3 năm lên 5 năm.
 
Hai bên chụp ảnh lưu niệm
Đáp từ Ngài Đại sứ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt cám ơn cá nhân Đại sứ và các đồng sự đã có sự nghiên cứu cơ bản và những đề xuất thiết thực đối với công tác đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản của hai bên. Thời gian tới, Bộ trưởng sẽ làm việc cụ thể với các cơ quan và đơn vị chức năng để tiếp tục nâng cao, đẩy mạnh công tác này nhằm thu hút lao động, tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động...
Về vấn đề tăng cường công tác đưa  lao động đi làm việc tại nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tổ chức đối thoại đối với những doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài nhằm chấn chỉnh doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu doanh nghiệp phổ biến quy định pháp luật của Nhật Bản đến người lao động, nghiêm cấm các doanh nghiệp thu tiền bảo lãnh của người lao động, kiên quyết rút giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm...
Mặt khác, hai bên sẽ tiến tới giảm thiểu tối đa tình trạng người lao động cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản; đề nghị phía Nhật Bản xử lý nghiêm minh, mạnh mẽ đối với những đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp. Bộ trưởng mong muốn, hai bên sẽ điều chỉnh và ký lại Thoả thuận hợp tác phái cử lao động trong tháng 4/2017./. 
PV
 
Từ khóa: