Lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đảm bảo an sinh cho người dân trong thời gian giãn cách
09:00 PM 15/08/2021
(LĐXH)- “Sự quyết liệt thực hiện Chỉ thị 16 /CT-TTg cùng với các mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới đã khẳng định chính sách đúng hướng, đảm bảo an sinh cho người dân trong thời gian giãn cách…” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định.
Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sơ kết 1 tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại một số địa phương.
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ, có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Dự cuộc họp tại điểm cầu 36 địa phương gồm các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 và một số địa phương có nguy cơ cao bùng phát dịch, trong đó có Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương.
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, phân tích thật kỹ các nguyên nhân chủ quan, thảo luận các nội dung cần bổ sung, điều chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải pháp, tổ chức thực hiện, phân cấp phân quyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân…
Bộ trường Đào Ngọc Ding phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Sau một tháng triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, cho đến nay thấy rất mừng là tất cả các địa phương tích cực triển khai đem lại hiệu quả tích cực. Cụ thể là đã có hàng chục triệu người dân được thụ hưởng chính sách; hàng triệu người lao động được hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt và đặc biệt vừa qua đã có hàng triệu lao động tự do được hưởng chính sách rất linh hoạt từ các địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã sáng tạo, mở rộng đối tượng thụ hưởng. Trong đó có một số địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả rất cao như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…
“Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã triển khai xong gói 1, đồng thời hỗ trợ cho rất nhiều hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Còn tại Hà Nội đã bổ sung thêm chính sách mới một cách rất thiết thực; Bình Dương thì hỗ trợ thêm tiền nhà trọ cho người lao động. Tôi cho rằng các chính sách lần này đang đi rất đúng hướng” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có điện cho tôi nói “Nghị quyết số 68/NQ-CP lần này rất thiết thực, cụ thể và rõ ràng hơn”.  
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sự vào cuộc của cả xã hội từ miền Nam, miền Bắc, miền Trung, các nhà hảo tâm với tinh thần “ai có gì hỗ trợ đó” và đã có rất nhiều sáng tạo như: cây gạo ATM và đặc biệt là “túi an sinh xã hội”… Đây là việc làm rất thiết thực, rất hay, đảm bảo mọi người dân không bị thiếu, không bị đói và yên tâm thực hiện Chỉ thị 16 - “ai ở đâu, ở yên ở đó”. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt Chỉ thị giãn cách, vẫn còn một số ít địa phương chưa quan tâm đến vấn đề này. Do đó, việc hỗ trợ người dân, người lao động còn chậm, vẫn còn tiếng kêu ca của người dân.
“Đối với những lao động tự do thực hiện tốt công tác hỗ trợ, còn lao động có giao kết hợp đồng đang ở trọ tại các khu vực còn chậm, nhất là công nhân, người lao động di chuyển về các địa phương. Đây là vấn đề tôi đề nghị các địa phương quan tâm” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lưu ý.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tôi đồng tình với ý kiến đồng chí Bộ trưởng Y tế là “giãn cách xã hội là quan trọng, nhưng đảm bảo an sinh là trọng yếu, giảm tử vong do Covid là ưu tiên”
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh một số về đề cụ thể là: Thứ nhất, các địa phương triển khai nhanh hơn, cụ thể hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn Nghị quyết số 68/NQ-CP, nhất là quan tâm đến lực lượng lao động bị mất việc, ngừng việc.
Thứ hai, chăm lo tốt đối tượng của Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội: người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… một cách thực chất hơn và quản lý tốt cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn; trong thời gian giãn cách không đưa học viên cai nghiện vào cơ sở. Vì hầu như các cơ sở bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy đang bị F0 rất nhiều, nếu đưa vào mà chưa thực hiện xét nghiệm, sẽ chính là nguồn lây vào trong các cơ sở này.
Thứ ba, việc triển khai thực hiện “Túi an sinh” tại thành phố Hồ Chí Minh cần thúc đẩy thực hiện “1 triệu túi an sinh”, để người dân an tâm ở trong nhà. Với túi an sinh này, các gia đình có thể sử dụng trong 01 tuần và cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng hỗ trợ. Đây là sáng kiến rất quan trọng.
Thứ tư, trong ngày mai, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Thủ tướng xuất cấp hỗ trợ gạo cứu đói cho các địa phương gặp khó khăn do dịch Covid-19, các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Đồng thời, sẽ trình Thủ tướng cho phép tháo gỡ Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tối giản thủ tục hành chính, bỏ các quy định về thuế, đảm bảo để doanh nghiệp, người dân, tiếp cận vốn vay trả lương, cũng như phục hồi sản xuất sau dịch bệnh Covid-19.

Trần Thắng

Từ khóa: