Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em
(LĐXH)- Tại buổi làm việc với Cục Trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thêm một lần nữa truyền đi thông điệp và mong muốn: Tất cả các bậc cha mẹ, phụ huynh, người lớn, các anh chị phụ trách, những người làm công tác trẻ em hãy dành sự quan tâm và những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Chiều ngày 8/2, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chủ trì buổi làm việc với Cục Trẻ em về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022.
Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà; Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam; Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Hoàng Văn Tiến cùng lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ; đại diện Ủy ban Quốc gia về Trẻ em Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em Việt Nam, Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn dành sự quan tâm tâm đặc biệt đến trẻ em. Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới và là nước đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Di nguyện của nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là muốn dành tòa nhà 35 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) lúc còn sống người ở và làm việc để phục vụ công tác trẻ em. Hiện nay, trụ sở này đang là nơi làm việc của Cục Trẻ em (đơn vị quản lý Nhà nước về trẻ em). Do thời gian, một số hạng mục của tòa nhà xuống cấp, trụ sở được đầu từ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp khang trang và đến nay đã hoàn thành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Nhìn chung bức tranh về trẻ em Việt Nam rất tươi sáng và tốt đẹp, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt nhiều thành tựu quan trọng: dinh dưỡng, y tế, giáo dục, đời sống vật chất tinh thần… được nâng lên. Hầu hết các gia đình Việt Nam đều có truyền thống yêu thương trẻ. Cùng với đó, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ hơn; các tổ chức xã hội làm công tác trẻ em ngày càng mở rộng; phong trào toàn dân chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở đặt vấn đề: Câu hát “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” ai cũng biết, thậm chí cả thế giới cũng biết. Nhưng tại sao tỷ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam vẫn còn cao so với khu vực Châu Á? Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em còn xảy ra ở niều nơi, nhiều địa bàn. Nhất là thời gian gần đây, xảy ra một số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em để lại hậu qua nặng nề, gây bức xúc dư luận xã hội? Do đó, chúng ta kiên quyết không thể để tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại bởi sự vô cảm, sự xuống cấp của đạo đức xã hội ở một số bộ phận.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là đối tượng cần phải quan tâm. Trẻ em là chủ thể trong phát triển con người. Con người là mục tiêu động lực của sự phát triển, thì trẻ em là trung tâm động lực này. Trẻ em là tương lai, nhưng cũng là đối tượng bị tác động xâm hại vì các em không tự bảo vệ được bản thân, không có khả năng chống đỡ.
Theo Bộ trưởng, chúng ta có 2 cách để bảo vệ các em, đó là người lớn bảo vệ các em và dạy các em cách tự bảo vệ mình. Giải pháp là phải lấy phòng ngừa là chính, nên phải đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục pháp luật mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng, trong gia đình, trong xã hội, trên phương tiện và chính trong trẻ em. Đã đến lúc, chúng ta phải tiếp cận vấn đề trẻ em hài hòa hơn.
Hỗ trợ kịp thời từ khi có nguy cơ
Báo cáo về tình trạng vẫn còn có những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam, cho biết: Vừa rồi, các vụ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, có thể thấy nổi lên một vấn đề là do việc trẻ được giao cho những người chăm sóc không đủ điều kiện mà cơ quan quản lý Nhà nước không nắm được, không phát hiện được, không "chỉnh" được. Đơn cử như việc trẻ phải sống với người tình của bố/mẹ sau khi gia đình tan vỡ, trẻ sống ở những cơ sở nuôi dưỡng chưa được cấp phép, như Tịnh Thất Bồng Lai... Chính vì thế, vấn đề này cần tính lại, làm sao để đảm bảo những môi trường nuôi dưỡng trước hết là phải an toàn với trẻ.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em Việt Nam, cho biết: Thời gian qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc cho trẻ em. Không thể thấy nổi lên một vài vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em mà đánh giá sai về bức tranh tổng thể trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với cơ quan quản lý Nhà nước, hiện có các tổ chức đoàn thể làm công tác trẻ em, nhưng tại sao các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em lại chậm được phát hiện? Thứ hai là hiện nay, các em đang thiếu sân chơi lành mạnh đúng độ tuổi, thiếu môi trường sống an toàn, lành mạnh…
Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, theo thống kê của UNICEF và Tổng cục Thống kê năm 2020 - 2021 thì tỉ lệ trẻ em bị các thành viên trong gia đình trừng phạt gia tăng, vẫn có người cho rằng: “Yêu cho roi cho vọt”. Đây là quan niện sai lầm và cần sớm thay thế bằng phương pháp giáo dục tích cực.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, yêu cầu: Thời gian tới, chúng ta phải tuyên truyền chính sách để ngay cả trẻ cũng phải nhận thức được quyền của mình, để khi bị bố mẹ đánh cũng có thể phản ứng, nhắc nhở người lớn và có thể gọi điện tới số 111 phản ánh bất cứ lúc nào. Việc thông tin về Tổng đài Quốc gia chăm sóc trẻ em số 111 cần phải in thông tin, phổ biến số điện thoại bảo vệ trẻ em này lên sách giáo khoa, bao bì sản phẩm sữa, các sản phẩm… dành cho trẻ em. Đồng thời phải thay đổi cách tiếp cận để những thông tin về quyền trẻ em phải đến được với các gia đình, xã hội
Bộ trưởng cũng đã giao Cục Trẻ em chủ trì, đẩy mạnh công phối hợp với các cơ quan, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Khi phát hiện vụ việc vi phạm thì phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý ngay. Trong tháng 2/2022, Cục phải cung cấp được toàn bộ cơ sở dữ liệu về trẻ em, đưa vào cơ sở dữ liệu dân cư để mọi người cùng giám sát vấn đề trẻ em.
Thêm một lần nữa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung truyền đi thông điệp và mong muốn: Tất cả các bậc cha mẹ, phụ huynh, người lớn, các anh chị phụ trách, những người làm công tác trẻ em hãy dành sự quan tâm và những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Trần Thắng
Từ khóa:
-
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
29-12-2024 11:39 07
-
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
29-12-2024 11:10 19
-
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
28-12-2024 23:33 52
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17