Xã hội
Cà Mau: Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua tạo việc làm cho phụ nữ
03:44 PM 22/03/2023
(LĐXH)-Các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã và đang thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh, đặc biệt từng bước tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Trong năm 2022, tỉnh Cà Mau đã hực hiện 64/40 chuyến tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, phường, thị trấn trên địa bản tỉnh cho 4.096 lao động, đạt 160% kế hoạch, tăng 205% so với cùng kỳ 2021. Khảo sát thông tin người lao động với có 2.206 phiếu, trong đó có 22 phiếu tìm việc trong nước, 02 phiếu tìm việc ngoài nước và 2.129 phiếu không có nhu cầu tìm việc làm. Tổ chức 11 Phiên giao dịch việc làm, trong đó 07 trực tuyến, 04 trực tiếp, thu hút 1.074 lao động và 72 doanh nghiệp tham gia, với nhu cầu tuyển dụng 3.744 lao động đi làm việc trong nước và ngoài nước; đạt 183% kế hoạch đề ra, tăng 267% so với cùng kỳ 2021.

Phụ nữ Cà Mau luôn được tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định việc làm

Cũng theo thống kê, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 là 654 doanh nghiệp, trong đó có 174 doanh nghiệp nữ làm chủ thành lập mới. Đến cuối năm 2022, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 4.562 doanh nghiệp, phát triển mới 16 hợp tác xã (cùng kỳ năm 2021 phát triển mới 09 HTX). Tổng toàn tỉnh có 961 tổ hợp tác, 275 hợp tác xã với 4.421 thành viên, 01 liên hiệp hợp tác xã và 28.967 hộ kinh doanh.

Công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình luôn được quan tâm như hoạt động vay vốn tín dụng giúp phụ nữ nghèo có cơ hội, điều kiện phát triển kinh tế. Tính đến cuối năm 2022,  Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện chính sách tín dụng đối với phụ nữ là 52.862 hộ với số tiền là 822,549 triệu.

Tính chung, trong năm 2022, tỉnh Cà Mau đã giải quyết việc làm cho người lao động có hiệu quả. Cụ thể, đã giải quyết việc làm cho 44.425/39.700 người, đạt 111,9% kế hoạch năm 2022; bằng 163,3% so với năm 2021 (44.425/27.200 người). Trong đó, tạo việc làm trong tỉnh cho 11.719 người; ngoài tỉnh: 32.386 người; người lao động Việt Nam làm việc nước ngoài theo hợp đồng: 320 người.

So sánh với kết quả năm 2021 và ước tính kết quả thực hiện đến năm 2025 cho thấy, do năm 2021 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công tác giải quyết việc làm trong nước, ngoài nước gặp nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả công tác giải quyết việc làm chỉ đạt 27.200/39.300 người, đạt 69,2%; giảm 33,6% so với cùng kỳ. 

Trong năm 2022, tỷ lệ lao động nữ được đào tạo trong tỉnh Cà Mau chiếm 5,27% (833/15.800). Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề/tổng số lao động được đào tạo nghề chiếm 2,67% (466/17.400). Tỷ lệ lao động nữ làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp chiếm 41,57% (278.400/669.672). Tỷ lệ lao động nữ làm việc trong khu nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc chiếm tỷ lệ 42% (218.946/278.400). Tỷ lệ lao động nữ làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất là 2.725 lao động, trong đó nữ 1.120 (1.120/2.725), chiếm 41,10%. Tỷ lệ lao động nữ nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất/ tổng số lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (00/00). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nam, nữ toàn tỉnh là 2,27%, trong đó lao động nam là 1,62%, nữ 3,32%.

Với sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng xã hội, phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế, trong đó nhiều phụ nữ còn vươn lên làm chủ các doanh nghiệp. Theo thống kê, tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2021 là 1.030/4.091 doanh nghiệp, chiếm 25,17% và năm 2022 là 1.204/4.562 doanh nghiệp, chiếm 26,39%. Trong năm 2021, có 430 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có 118 doanh nghiệp do nữ làm chủ/giám đốc, chiếm tỷ lệ 27,44%. Trong năm 2022, có 654 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có 174 doanh nghiệp do nữ làm chủ/giám đốc, chiếm tỷ lệ 26,61%.

Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Đó là, lao động tham gia học nghề, truyền nghề ngày càng nhiều. Tuy nhiên do thiết bị dạy nghề đã đầu tư qua nhiều năm, không đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người học, nên số lao động sau học nghề không đáp ứng được yêu cầu vận hành thiết bị máy móc hiện đại của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, một số ngành nghề đào tạo chỉ để duy trì, ổn định việc làm tại chỗ, không thu hút nhiều lao động.

Sàn giao dịch việc làm hoạt động khá đồng bộ, nhưng thông tin thị trường lao động chưa được mở rộng, số lượng lao động tìm được việc làm trực tiếp tại phiên giao dịch tăng chưa nhiều.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, những năm tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Cà Mau sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn./. 

Nhật Minh

 
Từ khóa: