Cai nghiện ma túy bằng Methadone thay thế ở Bắc Ninh: Những khó khăn, thách thức
Nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân, nhất là sự tham gia tích cực của người nghiện chích ma túy và gia đình, sau gần 2 năm tỉnh Bắc Ninh triển khai, chương trình điều trị thay thế Methadone thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này cũng bắt đầu “lộ diện” những khó khăn, thách thức.
Ngay sau khi Đề án triển khai điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được phê duyệt, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông, trong đó tập trung tuyên truyền về cách thức tham gia, địa điểm triển khai, lợi ích, hiệu quả để người dân biết và ủng hộ đồng thời động viên, khuyến khích các đối tượng có nhu cầu tích cực tham gia điều trị…
Tính đến hết tháng 8-2016 lũy tích số bệnh nhân điều trị tại cơ sở là 641, số bệnh nhân hiện tại đang được điều trị là 418. Số bệnh nhân ra khỏi chương trình là 223. Bệnh nhân có tuổi sử dụng ma túy lần đầu tiên thấp nhất là 15 tuổi và cao nhất là 45 tuổi. Thời gian sử dụng ma túy (từ khi dùng tới khi đăng ký tham gia điều trị) ít nhất là 2 tháng và nhiều nhất là 20 năm.
Từ tháng 5-2016, để thuận lợi cho việc tiếp cận điều trị của bệnh nhân và đạt mục tiêu điều trị cho 500 bệnh nhân, tỉnh mở thêm cơ sở cấp phát thuốc tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề hướng thiện, phục vụ cho bệnh nhân tại 3 huyện Gia Bình, Lương Tài và Quế Võ đã điều trị duy trì tại cơ sở điều trị Methadone - Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời giới thiệu đối tượng của Trung tâm Giáo dục dạy nghề hướng thiện lên điều trị tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cho đến khi điều trị duy trì sẽ tiếp nhận lại. Sau gần 3 tháng triển khai hoạt động cấp phát thuốc, hiện nay cơ sở đang quản lý và cấp phát thuốc cho 25 bệnh nhân.
Bệnh nhân uống Methadone tại cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS (thành phố Bắc Ninh).
Thực tế đã chứng minh chương trình điều trị thay thế Methadone mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Về mặt sức khỏe, sau điều trị không có bệnh nhân mắc mới các bệnh truyền nhiễm như Lao, HIV, viêm gan B, C… Hơn 50% bệnh nhân tăng cân, những người có tác dụng phụ trong giai đoạn duy trì giảm nhiều lần so với giai đoạn dò liều, không có bệnh nhân tử vong, ngộ độc do Methadone trong quá trình điều trị.
Nhờ điều trị thay thế Methadone, số lượng bệnh nhân sử dụng ma túy giảm hơn. Theo thống kê, trước điều trị 100% bệnh nhân sử dụng ma túy, sau khi điều trị tháng thứ 3 tỷ lệ này giảm xuống còn 54,5%, sau khi điều trị tháng thứ 6, giảm còn 46,6% và sau 12 tháng điều trị chỉ còn 20%.
Điều đáng nói, hơn 80% bệnh nhân trước khi điều trị có hành vi vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản để lấy tiền mua ma túy; sau điều trị tỷ lệ phạm tội của bệnh nhân giảm nhiều, từ 80% xuống còn 60% sau 3 tháng và sau 6 tháng còn 25%. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm sau khi tham gia chương trình cũng chuyển biến rõ rệt, tăng từ 30% lên 50%. Mặc dù nhiều bệnh nhân chỉ làm những công việc đơn giản, thời vụ hoặc phụ giúp gia đình, song đây là những kết quả tốt hỗ trợ thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người nghiện chích ma tuý. Khi được tham gia điều trị methadone, chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân giảm hơn 12 lần so với dùng ma túy.
Hiệu quả của điều trị Methadone thay thế đã rõ, song trong quá trình thực hiện, công tác này cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ: Tỷ lệ bệnh nhân ra khỏi chương trình vì các lý do khác nhau (thôi điều trị (tự nguyện hoặc tự bỏ), tử vong, bị bắt, vào Trung tâm Giáo dục dạy nghề hướng thiện khá cao là khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị chung. Trong khi đó, thái độ, ý thức của một số bệnh nhân rất kém đã đe dọa bác sĩ điều trị, cán bộ của cơ sở. Cán bộ và nhân viên công tác tại các cơ sở điều trị Methadone phải làm việc tất cả các ngày trong tuần trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm, độc hại cao, tâm lý căng thẳng. Có một thực tế đáng buồn là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập cộng đồng vẫn khá nặng nề làm cho việc triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn.
Chương trình điều trị Methadone tại Bắc Ninh được triển khai theo đúng các quy định của Bộ Y tế, đáp ứng nguyện vọng của người nghiện chích ma tuý, gia đình người nghiện và cộng đồng. Sự thành công của cơ sở điều trị Methadone thành phố Bắc Ninh là bước khởi đầu tích cực để Bắc Ninh mở rộng triển khai việc điều trị Methadone ở các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh trong những năm tới. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị, đồng thời từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức, công tác này cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, địa phương./.
Việt Hoa
Từ khóa:
-
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở Mỹ Xuyên
25-11-2024 16:34 53
-
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
25-11-2024 16:34 23
-
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
25-11-2024 16:34 03
-
Phụ nữ Nam Định với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
25-11-2024 11:17 09
-
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
25-11-2024 11:16 03
-
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
06-11-2024 11:21 52