Xã hội
Công tác cai nghiện tự nguyện còn nhiều hạn chế, vướng mắc
03:22 PM 17/10/2016
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cai nghiện ma túy tự nguyện là một trong hai biện pháp cai nghiện (bắt buộc và tự nguyện) được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy. Thời gia qua, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các địa phương đã đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đã thu được những kết quả đáng kể trong công tác cai nghiện ma túy.

Tính từ năm 2000 đến 30/6/2016, 132 cơ sở cai nghiện ma túy đã tiếp nhận cai nghiện tự nguyện cho khoảng 100 nghìn lượt người, trong đó tại 21 cơ sở cai nghiện ngoài công lập tiếp nhận cai nghiện cho khoảng 45 nghìn lượt người, 110 cơ sở cai nghiện công lập tiếp nhận cai nghiện cho khoảng 55 nghìn lượt người.

Tại một Trung tâm cai nghiện. Ảnh Nhật Thy


Kết quả cai nghiện ma túy tự nguyện cho thấy được hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, cơ quan chính quyền không tốn chi phí lập hồ sơ, xác định tình trạng nghiện ma túy, thời gian xem xét hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (theo tính toán của TPHCM thì chi phí cho một người nghiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc khoảng 2 triệu đồng/người), như vậy riêng chi phí lập hồ sơ đề nghị áp dụng cai nghiện bắt buộc cho 100 nghìn lượt người đã tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng, chưa tính chi phí trung bình một người nghiện sử dụng để mua thuốc khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày (khoảng 73 triệu đồng/năm).

Ngoài ra, việc tự nguyện đi cai nghiện cũng làm giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, giảm tình trạng tội phạm, mất an toàn trật tự xã hội, tăng cường sức khỏe của người nghiện, có kiến thức về các bệnh truyền nhiễm, người nghiện được phục hồi hành vi, nhân cách và có niềm tin vào cuộc sống. Như vậy, nếu nhà nước mở rộng bảo đảm cho người đi cai nghiện ma túy tự nguyện lên khoảng 120 nghìn người/năm thì hàng năm tiết kiệm cho nhà nước và xã hội khoảng 9 nghìn tỷ đồng/năm.Chương trình cai nghiện ma túy tự nguyện nếu được mở rộng, khuyến khích thì sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai, một số quy định của Nghị định đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn triển khai.

Đầu tiên, hoạt động cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy theo Điều 39 của Luật phòng, chống ma túy năm 2008 đang gây khó khăn cho sự phát triên các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập sau 15 năm chỉ mới có 22 cơ sở được cấp phép, hoạt động có hiệu quả chỉ chưa đến 10 cơ sở.

Thứ hai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quan điểm đẩy mạnh sang cai nghiện ma túy tự nguyện, chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc thành cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, thành lập các điểm vệ tinh của cơ sở cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, điều kiện đảm bảo của các cơ sở cai nghiện ma túy chưa được quy định nên các cơ sở chưa chủ động chuyển đổi.

Thứ ba, chính sách xã hội hóa còn khó thực hiện, gần như các cơ sở cai nghiện tư nhân không nhận được chính sách xã hội hóa.

Thứ tư, quy định điều kiện đối với người đăng ký tham gia cai nghiện tự nguyện phải cơ đơn đăng ký và Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận tạm trú dài hạn(có công chứng hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu) theo Quy định tại Điều 26 Nghị định 135/2004/NĐ-CP. Điều này làm cho việc mở rộng người đi cai nghiện tự nguyện cũng gặp khó khăn, chưa đúng chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Thứ năm, thời gian xét đơn xin đi cai nghiện hiện nay là quá dài (7 ngày) theo giờ làm việc và phải gửi quyết định tiếp nhận cho người thân, ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó sinh sống theo quy định tại Điều 27 Nghị định 135/2004/NĐ-CP. Với thời gian xét vậy quá dài, trong khi người nghiện không phải lúc nào cũng nhận thức và đủ kiên trì để đi cai nghiện ma túy tự nguyện, ngoài ra việc gửi quyết định về cho người thân, ủy ban nhân dân nơi người đó sinh sống mang sự kỳ thị, ảnh hưởng bí mật đời tư của người nghiện ma túy.

Thứ sáu, người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện phải trả nhiều chi phí, trong khi phần lớn người nghiện ma túy là gia đình khó khăn và Luật Phòng, chống ma túy đã quy định “nhà nước khuyến khích người nghiện tự nguyện cai nghiện” nhưng chính sách thực tế chưa quy định. Hiện nay, nhiều tỉnh thành phố đã bảo đảm kinh phí cho người đi cai nghiện tự nguyện, thì thu hút được người nghiện tự nguyện nhiều hơn, giảm chi phí lập hồ sơ, xác định tình trạng nghiện….


Nhật Thy/Tiếng chuông

Từ khóa: