Cần chăm lo ý thức an toàn, vệ sinh lao động cho mọi tầng lớp nhân dân
(LĐXH) - Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (AT - VSLĐ) là trách nhiệm và nghĩa vụ không chỉ có người sử dụng lao động mà cả người lao động, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mỗi người. Việc bảo đảm môi trường làm việc an toàn của người lao động không chỉ mang lại sự phát triển lâu dài của mọi doanh nghiệp mà còn bảo đảm cho sự phát triển kinh tế bền vững của một quốc gia.
An toàn lao động phải được đặt lên hàng đầu
Cùng với cả nước, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đang triển khai và thực hiện “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ)” lần thứ hai (từ ngày 1 đến 31-5-2018). Năm 2018, Cửa Lò được tỉnh Nghệ An chọn điểm phát động “Tháng hành động về AT-VSLĐ”. Trong bài kêu gọi các đơn vị hưởng ứng Tháng hành động về AT-VSLĐ, bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo AT-VSLĐ Thị xã nhấn mạnh: Lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiẹp (DN) cần quan tâm, chú trọng hơn về công tác bảo hộ lao động, AT-VSLĐ và bảo vệ môi trường; thường xuyên nhắc nhở cũng như chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm gây mất an toàn của người lao động. Điều này sẽ giúp hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thời gian qua, dù chưa có thống kê đầy đủ về các vụ tai nạn, song tiềm ẩn những tai nạn luôn rầm rịch, thậm chí cũng đã có nơi tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nguyên nhân là do các đơn vị chưa thực sự quan tâm tới công tác ATVSLĐ, tình trạng vi phạm các nội quy, quy trình, tiêu chuẩn về AT-VSLĐ, người lao động chưa được tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ, thiếu hiểu biết về các quy tắc làm việc an toàn, đặc biệt là nhóm người thi công công trình xây dựng tự do đa phần không hiểu biết gì về an toàn lao động. Vì vậy, để bảo đảm an sinh xã hội, vì sự bình yên của mỗi gia đình, phát triển bền vững của DN trong sản xuất kinh doanh, ATVSLĐ phải được đặt lên hàng đầu.
Sức lan tỏa sau Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ
Xí nghiệp sản xuất và dịch vụ Sông Lam, khối Hải Triều, phường Nghi Hải là một đơn vị có hơn 24 năm hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Đầu tư kinh doanh xăng dầu, xây dựng, chế biến thủy, hải sản, đóng mới, sửa chữa tàu, thuyền và dịch vụ ăn uống, là nơi gửi gắm niềm tin đối với người lao động. Hưởng ứng Tháng hành động về AT-VSLĐ, Ban giám đốc Xí nghiệp kêu gọi công nhân phải đeo dây an toàn khi thi công trên cao, sử dụng khẩu trang, gang tay, ủng cho các vị trí cần thiết; dây điện phải được treo cao, treo bằng móc cách điện; dọn dẹp vật tư gọn gàng sau khi thi công; không hút thuốc khi đang làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi đúng nơi quy định; kiểm tra giàn giáo trước khi đưa vào sử dụng,... Ông Nguyễn Đình Thắng, Trưởng kho xăng dầu Nghi Hương cho biết: Công ty đặt công tác AT-VSLĐ lên hàng đầu, bởi tai nạn xảy ra, không chỉ bản thân công nhân bị ảnh hưởng, gia đình họ mất đi trụ cột mà chính công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Cũng theo ông Thắng: Không chỉ có trong Tháng hành động về AT-VSLĐ, mà đây là việc làm cần phải triệt để chấp hành thường xuyên. Mỗi ngày trước khi bắt đầu vào công việc, công ty dành 15 phút để báo cáo tiến độ công việc và nhắc nhở toàn thể công nhân tuân thủ kỷ luật lao động, giữ gìn an toàn cho bản thân. Ông Thắng khẳng định: “Việc nhắc nhở về AT-VSLĐ rất có ý nghĩa với người lao động, giúp công nhân nâng cao ý thức về an toàn, cẩn trọng trong từng thao tác. Tôi nghĩ việc bảo vệ sự an toàn cho bản thân là điều mỗi công nhân phải tuân thủ và thực hiện tốt.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc công ty dầu khí Sài Gòn - Nghệ An cho biết: Với mục tiêu phát triển bền vững, công ty luôn chú trọng công tác ATVSLĐ và nghiêm túc thực hiện các yếu tố kỷ luật an toàn lao động, giữ gìn phát triển môi trường làm việc xanh, sạch. Năm 2018, tiếp tục quan tâm đến công tác huấn luyện AT-VSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Được biết, đây là một công ty luôn bảo đảm tốt việc trang bị bảo hộ lao động, luôn chăm lo tới môi trường lao động của công ty, các bộ phận sản xuất được yêu cầu chú ý từng lĩnh vực dễ xảy ra tai nạn lao động như: điện, bơm ga, phòng chống cháy nổ. Thường xuyên bổ sung các biển báo, rào chắn ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ tai nạn lao động, thực hiện tốt việc bồi dưỡng độc hại cho công nhân làm công việc nặng nhọc, kết hợp khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho công nhân…
Cần phải triệt để xây dựng quy trình an toàn
Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) hiện có trên 250 DN đang hoạt động, nhưng không phải DN nào cũng làm tốt các quy định pháp luật về AT-VSLĐ, đó là chưa nói đến các nhóm lao động tự do thi công các công trình xây dựng, đã có những phút giây bất cẩn phải mang thương tật cả đời, thậm chí đã để lại một nỗi đau cho gia đình, con cái khi mất đi trụ cột gia đình. Tai nạn thì không thể biết trước mà tránh, nhưng nếu có sự cẩn trọng thì chắc chắn các vụ tai nạn thương tâm sẽ giảm thiếu đáng kể, đem lại bao sự bình yên cho gia đình và xã hội.
Nhằm bảo đảm bình yên phát triển của từng DN, đơn vị, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, Thị xã cần củng cổ, kiện toàn hệ thống quản lý ATVSLĐ các cấp; bổ sung các quy định, quy trình quản lý và sử dụng, các biện pháp kỹ thuật đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, tuyên truyền đến người sử dụng lao động và người lao động các chính sách về AT-VSLĐ. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng làm việc đảm bảo ATVSLĐ; Chỉ đạo các đơn vị, duy trì thường xuyên công tác tự kiểm tra, tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ cho người lao động; phát động phong trào thi đua, tìm hiểu về ATVSLĐ; tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ; biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSLĐ và các hoạt động khác phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị.
Để đạt được mục tiêu này, Ban chỉ đạo các cấp phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm hoạt động, chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về AT-VSLĐ. Đặc biệt, không xem nhẹ nhóm người lao động tự do thi công các công trình xây dựng, chính nhóm người này là tiềm ẩn của mọi tai nạn. Tại các đơn vị phải thường xuyên xây dựng, rà soát, bổ sung nội quy, quy trình làm việc an toàn; thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác tự kiểm tra, công tác rà soát, đánh giá nguy cơ, rủi ro đối với từng thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tổ chức công đoàn các cấp cần có hành động thiết thực, thể hiện trách nhiệm cao nhất đối với công việc đang phụ trách. Phối hợp thường xuyên trong việc đào tạo và huấn luyện cho người lao động, vận động người lao động thực hiện tốt các quy định về bảo hộ lao động, rà soát kiểm tra các quy định, quy trình lao động sản xuất để đảm bảo an toàn. An toàn lao động là trên hết, không an toàn không được làm việc./.
Phùng Đức Thuật
Từ khóa:
-
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
11-01-2025 08:31 28
-
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
03-01-2025 12:03 18
-
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
10-01-2025 11:07 44
-
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
17-12-2024 16:44 28
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
12-12-2024 15:34 57
-
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
30-12-2024 15:09 04
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46