Lao động
Cần sửa đổi, bổ sung một số qui định của pháp luật để đảm bảo môi trường lao động an toàn hơn cho cán bộ y tế
04:47 PM 30/10/2019
(LĐXH) Ngày 29/10/2019, tại Hà Nội, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” với Chủ đề “An toàn, vệ sinh lao động – phòng chống bạo hành nhân viên tại cơ sở y tế”. Đây là một trong những hoạt động cao điểm của Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019.
Theo PGS. TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, ngày 26/4/2019, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn ký Kế hoạch liên tịch số 100/KHLT-CĐYT-TCLĐCĐ triển khai Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019. Đây là một trong những nội dung nằm trong hoạt động phối hợp giữa Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cán bộ, nhân viên y tế năm 2019.
Mục tiêu của chương trình bảo vệ Blouse trắng là tuyên truyền để phát hiện gương người tốt, lan tỏa hình ảnh đẹp, chân thực của đội ngũ CCVCLĐ ngành y tế dù có nhiều áp lực về công việc nhưng vẫn vượt qua, làm tốt trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân . Song song đó, Chương trình đề xuất xây dựng chính sách nhằm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên Công đoàn ngành y tế cả nước, đảm bảo có môi trường lao động an toàn cho cán bộ y tế.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, 5 bài trình bày và 4 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia được trình bày để làm rõ hơn vấn đề bảo đảm an toàn, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế trong tình hình hiện nay.
Một số kiến nghị, đề xuất sẽ được đưa ra sau Hội thảo, gửi tới các cơ quan có liên quan tập trung vào 2 vấn đề lớn.
Về  An toàn, vệ sinh lao động, các đại biểu kiến nghị:
- Ban hành bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành y tế vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Rà soát xây dựng BNN mới của ngành Y tế để bổ sung vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.Xây dựng cơ sở dữ liệu BNN trong ngành y tế.
- Xây dựng chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác ATVSLĐ, phòng chống BNN cho nhân viên y tế;
- Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Công đoàn xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ trong ngành y tế. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, thay đổi được thói quen, nhận thức, tác phong của NLĐ và người SDLĐ trong công tác ATVSLĐ;
- Lãnh đạo các đơn vị đẩy mạnh việc cải thiện điều kiện lao động nhằm giảm thiểu các yếu tố có hại trong môi trường lao động; Thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, quan trắc môi trường lao động; Tăng cường công tác đào tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ. Đẩy mạnh đầu tư nguồn lực và ngân sách cho công tác vệ sinh lao động, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống BNN.
- Bộ Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ; rà soát, đề xuất định mức kinh tế kỹ thuật trong thực hiện pháp luật an toàn vệ sinh LĐ trong ngành y tế vào giá viện phí.
Về vấn đề chống bạo hành, các ý kiến tại Hội thảo đề xuất:
- Sửa đổi Luật hình sự để đảm bảo hành vi tấn công nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cũng phải chịu hình thức xử phạt tăng nặng và hình phạt có tính răn đe như khi tấn công các lực lượng thi hành công vụ khác;
- Sửa đổi luật khám bệnh, chữa bệnh về trách nhiệm của người bệnh, người nhà BN đối với dịch vụ khám chữa bệnh.
- Lực lượng công an cùng tham gia vào việc tuyên truyền về luật pháp tại các cơ sở y tế để mọi người dân đều nắm được Luật; phối hợp với ngành y tế bằng nhiều hình thức để phòng chống, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp bạo hành.
- Tăng cường tuyên truyền để cán bộ, nhân viên y tế phải có kỹ năng ứng xử, giao tiếp thích hợp vì người bệnh, nhưng khi xảy ra sự cố phải thái độ mạnh mẽ hơn, phải lên tiếng với vấn đề bạo hành để bảo vệ tốt hơn tính mạng của chính mình và đồng nghiệp.
- Lãnh đạo Cơ sở y tế có trách nhiệm xây dựng phương án phòng chống (trong đó kết nối chuông báo động với công an gần nhất, hợp đồng chốt bảo vệ của công an tại bệnh viện), quy trình xử lý khi có bạo hành để phổ biến và niêm yết tại các cơ sở y tế.
- Cục quản lý khám chữa bệnh tăn cường kiểm tra 83 tiêu chí đánh giá bệnh viện trong đó có tiêu chí C1.1 về đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện.
- Sự phối hợp chặt chẽ của Sở Y tế với Liên đoàn Lao động các tỉnh thành phố thông qua quy chế phối hợp để triển khai quy chế phối hợp của Bộ Y tế với Tổng LDLDVN.
- Tăng cường vai trò của các bộ, ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền và xử lý khi có sự cố xảy ra tại các bệnh viện.
Toàn cảnh Hội thảo
PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ: Cán bộ y tế, mà nhất là các bác sĩ là những người trải qua quy trình tuyển chọn và đào tạo khắt khe nhất, thời gian học tập kéo dài và phải xác định học tập suốt đời, nhưng lương khởi điểm của bác sĩ vẫn như cử nhân học đại học 4 năm. Bên cạnh đó, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta cũng thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị… Nhưng chưa hết, họ còn đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm. Nguy hiểm hơn là những tác hại không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress, nguy cơ bị bạo hành cao. Đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp. Đó cũng là lí do mà trong thời gian qua, Công đoàn Y tế Việt Nam thống kế sơ bộ ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc bộ đã có gần 2000 đoàn viên là cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo.
Về chế độ đối với bệnh nghề nghiệp, hiện nay danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung sau 23 năm ban hành, nên nhiều cán bộ y tế chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng từ các danh mục này.
Công đoàn Y tế Việt Nam tiếp nhận tài trợ từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Deloitte Việt Nam
và Tập đoàn Hành trình thành công mới
Tại một số cơ sở y tế từ lãnh đạo đơn vị đến nhân viên cũng chưa thực hiện nghiêm các quy định, nội quy, quy trình làm việc sử dụng các trang thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân nên tình trạng tai nạn nghề nghiệp vẫn còn xảy ra. Người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú trọng đày đủ về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chỉ khoảng 50% cán bộ được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động , chưa quan tâm khám sức khỏe đầu vào cho nhân viên nên người lao động không được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp; việc khám sức khỏe định kỳ còn lơ là, khám sàng lọc phát hiện bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm, chưa thực hiện nghiêm 12 nội dung lãnh đạo cơ sở y tế cần thực hiện về an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Tình trạng bạo hành với cán bộ y tế trong khi làm nhiệm vụ đang có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ. Đó là chưa kể những vụ bạo hành về tinh thần, mà hậu quả để lại tuy vô hình, song lại có tác động không nhỏ, gây tâm lý bất an, thậm chí hoang mang, đối với cán bộ, nhân viên y tế. Đã có hai trường hợp đoàn viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sĩ Trần Văn Giàu, bệnh viện đa khoa Vũ Thư-Thái Bình 2012, mới đây nhất là một đoàn viên là nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn- Quảng Nam do ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.
Một trong những hạn chế nữa là rất nhiều tấm gương người tốt việc tốt, những hi sinh thầm lặng của cán bộ y tế chưa được truyền thông rộng rãi, những trường hợp hành hung cán bộ y tế cũng ít được các báo quan tâm. Trong khi đó, nhiều sự cố y khoa bất khả kháng thì lại được nhiều người biết đến, bị lợi dung để gây kích động dư luận…
Chung tay giải quyết hai chủ đề của Hội thảo này về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bạo hành là trách nhiệm của nhiều bên liên quan, không chỉ của người sử dụng lao động, người lao động, các cấp công đoàn mà còn của các bộ, ngành, cấp chính quyền vào cuộc, các cơ quan truyền thông lên tiếng chia sẻ và cần cả xã hội bảo vệ để cán bộ y tế yên tâm làm tốt công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh của mình.
Thảo Lan
 
Từ khóa: