Kinh tế
Cần tổ chức nông nghiệp đô thị hướng đến quy hoạch phát triển đô thị xanh
07:36 AM 09/10/2020
(LĐXH) Ngày 7/10/2010, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Quỹ Châu Á tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội theo hướng phát triển bền vững”.
Tham dự hội thảo có KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; GS.TS. Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch Hội cùng đông đảo các chuyên gia khách mời, đại diện UBND các huyện và một số xã trên địa bàn TP. Hà Nội.
Đô thị hóa tăng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, phát triển thiếu bền vững; đồng thời tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí... đang đe dọa môi trường sống, sinh hoạt và sản xuất của cư dân ven đô. Vì vậy, phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội một cách bền vững cần có quy hoạch và định hướng cụ thể.
Phát biểu khai mạc hội thảo, KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của phát triển bền vững nông nghiệp trong các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở hầu khắp các đô thị trên toàn quốc.
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
phát biểu tại Hội thảo
Nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp đối với đô thị, KTS. Trần Ngọc Chính lấy dẫn chứng một số thành phố của Việt Nam cũng như trên thế giới và cho biết, nông nghiệp đô thị đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị của các quốc gia, khi là nơi: Cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ cho các đô thị; góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư đô thị; nông nghiệp đô thị dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích đô thị; góp phần vào quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo dựng cảnh quan đô thị, cải thiện sức khỏe người dân.
Với Thủ đô Hà Nội, từ nhiều năm trước, khi quy hoạch Thủ đô, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã xác định xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai. Điều đó cho thấy, trong chiến lược phát triển Thủ đô, lĩnh vực nông nghiệp cũng rất được quan tâm phát triển.
Toàn cảnh hội thảo
Cùng quan điểm với KTS. Trần Ngọc Chính, GS.TS Đỗ Hậu nhận định, nông nghiệp đô thị ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong không gian đô thị. Đặc biệt, nông nghiệp đô thị có thể làm mới không gian đô thị. Hiện trạng nông nghiệp đô thị ở các thành phố của Việt Nam hiện nay, từ góc độ quy hoạch phát triển đô thị cho thấy sự cần thiết phải tổ chức nông nghiệp đô thị để hướng đến quy hoạch phát triển đô thị xanh - thông minh và bền vững trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Vì vậy cần nghiên cứu từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết các khu vực có hoạt động nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh - thông minh cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp đô thị trong thời gian tới.  
Trình bày tham luận “Giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị Hà Nội theo hướng phát triển bền vững”, ThS. Nguyễn Thị Vân Hương, chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, với mục tiêu: Xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản ổn định; các loại nông sản chất lượng cao dần thay thế các sản phẩm nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu; nâng cao trình độ sản xuất cho người dân.
Theo ThS. Nguyễn Thị Vân Hương, để hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp bao gồm: Ổn định địa bàn sản xuất nông nghiệp đô thị, tiếp tục nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, cây trồng vật nuôi chủ yếu; công khai phổ biến các quy hoạch nghiên cứu khoa học về phát triển sản xuất nông nghiệp đến các cấp chính quyền và người dân; triển khai áp dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp đô thị; thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ và cho vay ưu đãi của Trung ương và thành phố; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích tổ chức cá nhân thực hiện công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lai tạo giống cây, con chủ lực với từng vùng sinh thái, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng chế biến, xuất khẩu; có chính sách phát triển dịch vụ logictics đô thị trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh, đồng thời tăng cường hợp tác liên kết kinh tế vùng và toàn quốc.

Ths. Trần Thị Thanh Ý, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển đô thị cho rằng, quá trình đô thị hóa tại Hà Nội đã đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch và phát triển mới ở Thủ đô, đặc biệt là vùng ven đô. Chẳng hạn, diện tích đất nông nghiệp giảm làm một bộ phận lao động mất đất sản xuất, thiếu việc làm,  làm gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, vấn đề vệ sinh môi trường đô thị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sự ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước là điều không thể tránh khỏi. Đây là các yếu tố đe dọa sự phát triển nhanh và bền vững của các đô thị hiện nay. Trong rất nhiều giải pháp thì phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi tối ưu có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.

Các đại biểu tại hội thảo đều nhấn mạnh, không gian nông nghiệp đô thị ở các nước trên thế giới ngày càng được quan tâm. Nhiều mô hình không gian nông nghiệp đã xuất hiện như ngành nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch, mô hình không gian vườn cộng đồng, không gian trang trại, nông trại... Theo PGS.TS Trần Trọng Phương (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Hà Nội đã có hơn 92% xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6 huyện nông thôn mới với nhiều mô hình sản xuất như mô hình trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn, trang trại, mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch... Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp đô thị TP theo hướng bền vững thì cần gắn chặt với việc hình thành vành đai cây xanh, sản xuất nông nghiệp sạch gắn với hệ thống phân phối cho người dân.

Đồng quan điểm, Ths.KTS Vũ Hoài Đức, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chia sẻ, việc chuyển đổi đất nông nghiệp khiến cho cả một khu vực sinh cảnh bị thay đổi và xâm hại như thảm thực vật, đồng ruộng, hệ sinh thái ao hồ... khiến thiên nhiên môi trường của Hà Nội đang dần bị suy giảm, diện tích cây xanh, mặt nước thu hẹp do các hoạt động xây dựng và phát triển. Các vựa rau vùng ven đô như Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Trì... được người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới bằng nguồn nước ô nhiễm khá phổ biến; các làng nghề xen kẽ trong dân cũng là nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Do đó xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại góp phần hình thành và phát triển vành đai xanh, hành lang xanh  tại vùng ven đô Hà Nội là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, đây là thách thức lớn nếu chỉ nhìn nhận là hệ thống cây xanh, công viên cảnh quan, không gian mở. Mô hình này chỉ phù hợp với các nước phát triển, có tiềm lực kinh tế. Vì vậy, việc lồng ghép giữa mô hình nông nghiệp hiện đại có giá trị sản xuất cao với công viên – mặt nước cảnh quan đô thị và các khu vực xây dựng mật độ thấp có tính khả thi cao. Đây chính là sự phát triển bền vững của khu vực ven đô nói riêng và đô thị nói chung.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp đô thị hướng tới phát triển bền vững và phát triển nông nghiệp đô thị tại các quận ven đô của TP. Hà Nội.
Thảo Lan
 
Từ khóa: