Kinh tế
Nhiều thực phẩm tăng giá kỷ lục cận Tết
07:53 AM 16/01/2025
(LĐXH) - Những ngày cận Tết, giá một số mặt hàng nông sản như dừa khô, tôm khô, thịt heo… tăng cao.

Cận Tết giá tôm khô tăng kỷ lục

Ảnh: chodokho.com

Tại Cà Mau, giá tôm khô đất loại 1 tăng khoảng 200.000 đồng mỗi ký so với năm ngoái, lên 1,8 triệu. Tôm khô loại 2 hiện có giá khoảng 1,3 triệu đồng một ký. Càng cận Tết, giá mặt hàng này càng tăng thêm.

Tôm khô Cà Mau là mặt hàng được người dùng ưa chuộng làm quà biếu tặng vào các dịp lễ, Tết. Hiện toàn tỉnh có hơn 100 cơ sở sản xuất tôm khô, tập trung nhiều ở địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào như huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi.

Dừa tăng giá gấp đôi

Theo Cổng thông tin điện tử Tiền Giang, tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, thương lái đến thu mua dừa khô với giá từ 80.000 - 110.000 đồng/chục (12 trái), giá dừa khô tăng so với thời điểm cách đây vài tháng.

Ảnh: MXH

Nhu cầu tiêu thụ dừa cũng tăng cao tại Kiên Giang, theo nhiều thương lái trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, hiện nay dừa khô đang được thu mua với mức giá dao động từ 85.000 - 100.000 đồng/12 trái.

Lý do giá dừa tăng cao so với cùng kỳ là bởi nguồn cung từ Trung Quốc tăng nhu cầu. Nguồn nguyên liệu để sản xuất bánh kẹo, mứt dịp Tết cho thị trường trong nước cũng tăng mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, việc sản xuất và chế biến dừa tươi tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị trái dừa; đồng thời, giúp giá cả sản phẩm trở nên ổn định hơn.

Sầu riêng vượt mốc 200.000 đồng/kg

Giá sầu riêng tăng mức kỷ lục, vượt mốc 200.000 đồng/kg lên mức 205.000 - 220.000 đồng/kg đối với sầu Monthong.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VinaFruit), giá sầu riêng tăng vào cuối năm do nhu cầu cao cho Tết âm lịch của Trung Quốc. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, 11 tháng năm 2024, lượng sầu riêng nhập từ Việt Nam đạt gần 721.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ 2023.

Ảnh: foodmap.asia

Thêm vào đó, sản lượng sầu riêng trái vụ ở các tỉnh miền Tây cũng không còn nhiều trong khi các tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng… không có sầu riêng trái vụ để bán, điều này cũng tác động đến giá thu mua sầu riêng xuất khẩu.

Thịt heo hơi tăng mạnh

Theo VietNamNet, ngày 14/1, ông Nguyễn Văn Toản - chủ trang trại chăn nuôi heo quy mô hàng nghìn con ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết: “Giá heo hơi dịp này tăng cao. Hôm nay, giá đã cán mốc 70.000 đồng/kg”.

Theo ông, mức giá này đã chạm đỉnh của năm 2024. Tuy nhiên, nguồn cung mặt hàng này không nhiều. Như trang trại của gia đình ông, sau khi xuất bán heo hơi cách đây ít ngày, lứa tiếp theo khoảng tháng 2 mới được xuất chuồng.

Ảnh: Báo Nông nghiệp

Theo hông tin từ Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 5/1, giá lợn hơi tại cả 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, miền Nam đều tăng. Mức giá cao nhất tại miền Bắc ghi nhận là 69.000 đồng/kg và thấp nhất là 67.000 đồng/kg.

Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng điều chỉnh tăng  1.000 - 2.000 đồng/kg; nơi cao nhất là 69.000 đồng/kg, còn lại các tỉnh chủ yếu giao dịch trong mức giá 66.000- 67.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi giữ đà tăng, hiện được mua bán trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg.

Như vậy, so với thời điểm cách đây khoảng 2 tháng, giá lợn hơi trên cả nước đã tăng khoảng 10.000 đồng/kg.

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, đến thời điểm này, hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguồn hàng hóa được lưu thông tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ, trên 2.000 cửa hàng tiện lợi, 1.327 chuỗi cung ứng thưc phẩm nông lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố. Kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết cũng được các doanh nghiệp, nhà bán lẻ lo từ nhiều tháng trước, với lượng dự trữ đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng mùa Tết gia tăng.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.313 địa điểm bán hàng của các đơn vị phân phối bán lẻ cho biết mở cửa bán hàng trở lại phục vụ người tiêu dùng từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết.
Còn tại TP HCM, Trước đó, ngày 13/01/2025, Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Công Thương TP HCM về công tác chuẩn bị Tết. Về kế hoạch bán hàng phục vụ Tết: Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…
Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Từ khóa: