Kinh tế
Ngân hàng đua tăng lãi suất tiết kiệm: Gửi nhà băng nào lợi nhất?
02:56 PM 15/01/2025
(LĐXH) - Tiếp đà tháng cuối năm 2024, hàng loạt ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất tiền gửi từ người dân, trong đó Bac A Bank vẫn đang là quán quân lãi suất tiết kiệm trong hệ thống.

Những ngày giao dịch đầu năm 2025, loạt ngân hàng thương mại cũng như ngân hàng quốc doanh đã có động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, mức tăng từ 0,1 đến 0,25 điểm %/năm. 

Ngân hàng nào có lãi suất tiền gửi cao nhất?

Ảnh minh hoạ.

Theo khảo sát những ngày đầu năm, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất là Bac A Bank, NCB, ABBank hay OceanBank. Ngay cả Agribank cũng gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn và trở thành ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất trong nhóm Big4 ngân hàng quốc doanh ở tất cả các kỳ hạn.

Xét điều kiện gửi tiết kiệm trực tiếp tại quầy dành cho khách hàng cá nhân, nhận lãi cuối kỳ với kỳ hạn gửi 1 năm cho thấy, Bac A Bank đang là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất trong hệ thống với 6%/năm, song phải kèm điều kiện gửi trên 1 tỷ đồng. Nếu dưới mức này, Bac A Bank áp dụng mức 5,8%/năm.

Xếp ngay sau là Indovinabank - ngân hàng liên doanh giữa Cathay United (CUB) tại Đài Loan và ngân hàng VietinBank, với mức lãi suất tiết kiệm 5,95%/năm với cùng kỳ hạn 12 tháng.

Mức lãi suất tiền gửi cũng hấp dẫn không kém là 5,9%/năm đang được niêm yết tại Ngân hàng Bản Việt.

Tại mức lãi suất 5,8%/năm là lãi suất mà Ngân hàng Đông Á và Saigonbank đang cùng ấn định cho kỳ hạn 1 năm trong tháng đầu năm mới.

Ngoài ra còn nhiều ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 12 tháng ở mức hấp dẫn 4%/năm – 5,75%/năm.

Xét riêng trong nhóm ngân hàng quốc doanh cho kỳ hạn 1 năm, Agribank và BIDV đang dẫn đầu với 4,7%/năm. Trong khi đó, Vietcombank đang ấn định lãi suất tiền gửi là 4,6%/năm. Còn Vietinbank chỉ đưa ra mức lãi suất tiết kiệm 3%/năm và trở thành ngân hàng đưa ra lãi suất huy động vốn thấp nhất trong hệ thống.

 Ngân hàngSố tiền gửi12 tháng
1Ngân hàng Bắc ÁTrên 1 tỷ6,00
2Indovinabank 5,95
3Ngân hàng Bản Việt-5,90
4Ngân hàng Bắc ÁDưới 1 tỷ5,80
5Ngân hàng Đông Á-5,80
6Saigonbank-5,80
7CBBank 5,75
8VietBank-5,70
9OceanBank-5,70
10NCB-5,50
11HDBank-5,50
12VPBankTừ 10 tỷ - dưới 50 tỷ5,50
13VPBankTừ 50 tỷ trở lên5,50
14MSB-5,50
15VPBankDưới 1 tỷ5,40
16VPBankTừ 1 tỷ - 3 tỷ5,40
17VPBankTừ 3 tỷ - 10 tỷ5,40
18Eximbank-5,40
19Kienlongbank-5,30
20SHBTừ 2 tỷ trở lên5,30
21SHBDưới 2 tỷ5,20
22Ngân hàng OCB-5,20
23Ngân hàng Việt Á-5,20
24VIBTừ 300 trđ - dưới 3 tỷ5,10
25VIBTừ 3 tỷ trở lên5,10
26MBBankTừ 1 tỷ5,00
27MBBankDưới 1 tỷ4,95
28VIBTừ 10 trđ - dưới 300 trđ4,90
29Sacombank-4,90
30PVcomBank-4,80
31Agribank-4,70
32BIDV-4,70
33Techcombank-4,70
34Shinhan Bank 4,70
35Standard Chartered-4,66
36Vietcombank-4,60
37SCB-3,70
39HSBC3,25
40VietinBank-3,00

Một số ngân hàng khác niêm yết lãi suất tiết kiệm ở mức cao, lên đến 7-9,5%/năm. Tuy nhiên, để được nhận mức lãi suất này, khách hàng cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt.

Đơn cử, PVcomBank áp dụng mức lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng. Điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

HDBank áp dụng lãi suất lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.

MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Top 10 ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 1 năm. (Nguồn: Tổng hợp từ công bố của ngân hàng). 

Lãi suất dự báo đi ngang trong 2025

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 16%, tức cao hơn cả mức dự kiến thực hiện 15% trong năm 2024. Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2025 như trên, các nhà băng sẽ tăng thêm lượng tiền cho vay gần 2,5 triệu tỷ đồng, lên hơn 18 triệu tỷ đồng.

Giới phân tích tài chính cho rằng, nhu cầu tín dụng tăng trong năm nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến câu chuyện lãi suất, với dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong vòng 6-12 tháng tới.

Áp lực tỷ giá cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng giảm lãi suất. Nếu NHNN giảm lãi suất, điều này có thể gây biến động tỷ giá mạnh hơn và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các mức lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư cũng được các nhà băng bắt đầu tăng nhẹ kể từ quý IV/2024… lên trên 7%/năm kỳ hạn dài. Điều này sẽ làm tăng chi phí, tác động lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất huy động trọng năm nay dự báo khó lên cao.

Đối với tốc độ tăng lãi suất huy động, chứng khoán VCBS kỳ vọng sẽ tăng theo hướng nhích dần đều, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so giai đoạn trước Covid-19. Công ty chứng khoán này dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 0,2 – 0,3 điểm % ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025.

Theo nhận định của VCBS, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng nhẹ giai đoạn cuối 2024, do nhiều yếu tố. Cụ thể, áp lực về tỷ giá và sức ép của lạm phát vẫn hiện hữu khi xét đến những yếu tố liên quan đến biến động giá cả hàng hóa dưới tác động của những căng thẳng địa chính trị.

Áp lực chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD/VND có thể tiếp diễn trong bối cảnh USD vẫn đang mạnh lên trong năm 2025.

Ngoài ra, mục tiêu đảm bảo thanh khoản và đáp ứng nhu cầu tín dụng cũng khiến nhiều ngân hàng có thể phải tăng cường huy động nhằm mục đích cân đối thanh khoản và đảm bảo các chỉ số an toàn tài chính, trong đó một số ngân hàng đã chạm ngưỡng LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) dẫn đến ưu tiên tăng nguồn huy động để giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Trong khi cầu tín dụng thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhóm bất động sản và xây dựng.

Năm 2025, khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của NHNN cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”.

Minh Hằng

Từ khóa: