Xã hội
Câu chuyện về một người anh hùng của Xứ Dừa Bến Tre
02:55 PM 10/06/2019
(LĐXH) 17 tuổi tham gia cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1961 tại xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre gắn liền với những con “Tàu không số” huyền thoại và “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.

Thạnh Phú trong chiến tranh là căn cứ của Tỉnh ủy và Khu 8, chính vì thế địch tập trung mọi lực lượng, đánh phá ác liệt nhằm tiêu diệt sự sống nơi đây, nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre không hề khiếp sợ mà kiên trung, anh dũng, mưu trí đánh giặc, giải phóng quê hương, làm nên lịch sử của huyện anh hùng và những người con anh hùng, trong đó có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức mà cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Ông gắn liền với những con “Tàu không số” huyền thoại và “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Nguyễn Văn Đức (Sáu Đức) sinh năm 1941, tại xã Phú Khánh (nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thạnh Phú vào cuối năm 1930) và lớn lên tại xã Thạnh Phong, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ba ông là Nguyễn Thanh Tân, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú từ năm 1947, bác ruột là Nguyễn Văn Tam, Bí thư Chi bộ đầu tiên của huyện Thạnh Phú, gia đình có 10 anh em. Khi nhỏ Nguyễn Văn Đức học rất giỏi, nhưng vừa học xong lớp 6 phải thôi học để đi đánh cá thuê vì gia đình nghèo; sau một năm dành dụm, tiết kiệm gia đình mua được một chiếc thuyền cho các anh em tự đi đánh cá.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức
Năm 17 tuổi, ông tham gia cách mạng làm liên lạc cho tổ chức bí mật cơ sở đảng, sau đó tham gia du kích, làm Bí thư xã Đoàn Thạnh Phong năm 1960 và tham gia phong trào Đồng Khởi tại huyện Thạnh Phú. Năm 1961, ông được chọn vào Đội chuẩn bị vượt biển ra miền Bắc xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đây ông thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng. Vào ngày 01/6/1961, Ông là một trong 06 người tham gia chuyến vượt biển đầu tiên trên con thuyền gỗ từ miền Nam ra Bắc để mở “đường Hồ Chí Minh trên biển” trong kháng chiến chống Mỹ. Vượt qua 2.000 km trên biển chỉ với một tấm bản đồ sơ sài, qua bao vòng vây bom đạn của địch, cuối cùng ông và đồng đội cũng ra được miền Bắc, được gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng để báo cáo tình hình miền Nam và xin chi viện vũ khí. Ngày 23/10/1961, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 để vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam với mật hiệu “Đoàn tàu không số”. Nguyễn Văn Đức cũng là thủy thủ của những con tàu mang vũ khí từ Bắc vào Nam đầu tiên, từ đây ông đi suốt hết cuộc chiến tranh, gắn liền với những con tàu và trên nhiều cương vị từ thuyền viên đến chỉ huy.
Sau sự kiện Vũng Rô năm 1967, đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ. Mỹ lập tức siết chặt khu vực biển Đông, tăng cường tàu tuần tiễu, máy bay trinh sát ngày đêm săn lùng, âm mưu cắt đứt hoàn toàn đường biển nối liền tiền tuyến với hậu phương. Năm 1968, Nguyễn Văn Đức vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hải quân, trở về đơn vị cũ K15, Đoàn 125 và có quyết định xuống Tàu 43, với cương vị Thuyền phó 1, chở 40 tấn vũ khí vào biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi nhưng tàu bị địch phát hiện, ông cùng đồng đội chiến đấu với địch nhiều tiếng đồng hồ, cuối cùng quyết định phá hủy con tàu để không bị lọt vào tay địch. Suốt 03 năm liền (1965-1968), không một con tàu nào của ta lọt qua được vùng biển này. Quân ta trên chiến trường miền Nam lâm vào cảnh khó khăn, thiếu vũ khí, nhiều chiến sĩ hy sinh. Tình thế ấy buộc Trung ương Đảng phải chỉ huy một chuyến tàu chi viện vũ khí cho miền Nam bằng mọi giá. Vào tháng 10/1969, khi cả nước đang chìm trong nỗi đau vì Bác Hồ vừa mới qua đời, Ông được điều làm Thuyền phó tàu 154 nhận nhiệm vụ mới là đi khắp vùng biển các nước Đông Nam Á tìm đường vào Nam. Đó là chuyến đi đáng nhớ nhất, dài nhất của ông trên biển, tàu chở được 60 tấn vũ khí cập bến Cà Mau an toàn, mở đường đột phá mới của “đường Hồ Chí Minh trên biển” đi vòng quanh Đông Nam Á, góp phần không nhỏ vào công cuộc thắng lợi của miền Nam, ổn định chiến trường, giữ vững vùng giải phóng.
Đầu tháng 4/1975, ông cùng đồng đội tham gia giải phóng Quần đảo Trường Sa. So với những chuyến đi trước, đây là chuyến đi đặc biệt, mang theo nhiệm vụ lớn, không chỉ vận chuyển vũ khí mà còn phải đánh địch, giải phóng hệ thống đảo của mình. Đến sáng ngày 29/4/1975, lực lượng đổ bộ lên Trường Sa Lớn và giải phóng hoàn toàn Quần đảo Trường Sa, đúng thời điểm chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng là lúc 05 đảo thuộc Quần đảo Trường Sa được giải phóng, lực lượng “tàu không số” đã góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.
Năm 1976, Nguyễn Văn Đức được bổ nhiệm chức Hải đoàn phó thuộc Hạm đội 171, nhiệm vụ của Hải đoàn là vận tải quân sự tham gia phục vụ chiến trường Tây Nam, giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Năm 1984, Nguyễn Văn Đức rời quân ngũ chuyển sang làm Phó Giám đốc Nhà máy Dầu thực vật Nhà Bè, đến năm 1996 ông được nghỉ hưu. Trong cuộc đời binh nghiệp trên những con tàu không số, trong suốt thời gian gần 15 năm, ông đã đi tổng cộng 23 chuyến, trải qua muôn vàn hy sinh gian khổ, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân năm 2015.
Dù nghỉ hưu nhưng ông không bao giờ nghỉ việc, ông tiếp tục làm Bí thư Chi bộ khu phố, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 5, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội Truyền thống “Đường Hồ Chí Minh trên biển” toàn quốc, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh “Tàu không số” tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban liên lạc Hội đồng hương Bến Tre và Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương huyện Thạnh Phú tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng đội tin yêu, dân quý,... Đi qua hơn nửa thế kỷ, vượt qua bao giông bão, bom đạn, người cựu chiến binh già vẫn còn đau đáu trong lòng nỗi trăn trở, nhiều đồng đội của ông đã bỏ lại thân mình nơi biển cả, chưa được về đất liền, đoàn tụ anh em, người thân,... Ông bồi hồi xúc động nói: “Sau khi về đời thường, trở lại các bến xưa, nơi đoàn tàu không số đã từng cập bến để chuyển vũ khí, từ Quảng Ngãi, Bà Rịa cho đến Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau…, đâu đâu cũng thấy còn nhiều đồng bào khổ quá, những nơi mà trước kia đã nuôi giấu, che chở mình, cất giấu vũ khí cho bộ đội…, đến bây giờ họ còn thiếu thốn mọi bề, tôi đã quyết tâm phải làm gì đó để trả ơn”. Thế là ông cùng với các cựu chiến binh và Ban liên lạc Hội đồng hương đi vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xóa cầu khỉ, tặng quà, trao học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân,… Tính từ năm 2005 đến nay, ông cùng Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh “Tàu không số” đã vận động quy ra tiền trên 05 tỷ đồng; cùng với Ban liên lạc Hội đồng hương Thạnh Phú mỗi năm vận động 03- 04 tỷ đồng, riêng năm 2018 này vận động trên 9,2 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ cho những đồng đội, đồng chí, đồng bào nơi chiến trường xưa còn nhiều khó khăn, vất vả để họ vươn lên trong cuộc sống.
Có thể nói, ông Nguyễn Văn Đức, xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với danh hiệu vinh dự Nhà nước Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dù đang chiến đấu, làm việc hay nghỉ hưu thì ông vẫn luôn gương mẫu, đi đầu, cuộc đời vẫn bình dị, nhân ái, rộng mở; ông luôn hướng về cội nguồn, quê hương, chiến trường xưa, đồng đội, đồng chí mình mà cả cuộc đời ông hoạt động không mệt mỏi. Bảy mươi tám mùa xuân nhưng với ông vẫn chưa già, mùa xuân năm Kỷ Hợi này ông càng vui hơn khi ngôi mộ 21 người ở xã Thạnh Hải (nơi đây trong Chiến dịch “Phượng Hoàng TG1” ngày 31/12/1963, địch đã thả một quả bom napan vào căn hầm dân làm chết 21 người, trong có má, chị, 2 em và 2 cháu của ông) được xây dựng lại hoàn chỉnh, to đẹp hơn do Tỉnh ủy chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và bản thân ông đi vận động các nhà hảo tâm tài trợ xây dựng.
Văn Làm
Từ khóa: