Cụ ông 73 tuổi múa kiếm trên chiếc kiệu xoay vòng trong lễ tưởng nhớ An Dương Vương
09:56 PM 08/02/2025
(LĐXH) Lễ hội đền Sái, diễn ra hàng năm tại xã Thuỵ Lâm (Đông Anh, Hà Nội) là dịp để tưởng nhớ công ơn An Dương Vương, thể hiện nét văn hóa truyền thống đặc sắc và lòng biết ơn của người dân.
Vào khoảng năm 258 trước Công Nguyên, An Dương Vương lên ngôi, đóng đô ở Cổ Loa và đặt tên nước là Âu Lạc. Sau khi thành xây xong liên tục đổ, vua cầu tế thiên địa và được rùa vàng báo có Bạch Kê Tinh phá hoại. Nhà vua cùng triều thần lên núi Thất Diệu Sơn hành lễ, sau đó thành được xây hoàn chỉnh, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước.Hằng năm, vào mùa xuân, vua chúa và các quan lại đích thân về đây bái yết. Về sau, do thấy việc đi lại tốn kém tiền của và công sức của nhân dân, vua ban cho dân làng Thuỵ Lôi, xã Thuỵ Lâm thực hành nghi lễ thiên tử, xưng quan tước và bái yết ngài. Từ đó, Lễ hội rước vua dần hình thành và trở thành một lễ hội văn hóa độc đáo của vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ.
Lễ hội đền Sái, diễn ra từ 30 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng, là dịp thể hiện đoàn kết cộng đồng, lòng biết ơn và cầu mong mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh vượng. Lễ hội nổi bật với nghi thức rước vua giả vào ngày 11 tháng Giêng và các hoạt động dâng hương, tế lễ, văn hóa nghệ thuật, thể thao. Năm nay, lễ hội tổ chức từ 28-1 đến 12-2 tại khu di tích lịch sử đền Sái.Ông Phạm Minh Bình, phó chủ tịch xã Thuỵ Lâm, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo chuẩn bị lễ hội xuân Ất Tỵ 2025 từ sớm. Công tác an ninh được giao cho công an xã, với phương án bảo vệ chi tiết. Đặc biệt, lễ hội năm nay sẽ ghi hình làm hồ sơ khoa học theo chỉ đạo của Sở Văn hóa Hà Nội, với công tác chuẩn bị chu đáo, từ trang trí di tích, đình, đền Thượng đến các cảnh quan xung quanh.Lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc để các thế hệ sau học tập, noi theo tấm gương của cha ông đi trước. Lễ hội khai mạc vào lúc 8h sáng, đoàn rước kiệu tới Đình vào khoảng 10h30.Cụ Trương Đăng Cường, 73 tuổi, đóng vai Chúa, cho biết ông đã tham gia lễ hội rước kiệu trong 7-8 năm qua, đảm nhận các vai quan, vua và năm nay là năm đầu tiên tham gia với vai chúa. Điều kiện để được chọn vào vai là còn đủ song thân và được các cụ trong ban tổ chức tín nhiệm. "Tôi không còn cảm thấy chóng mặt hay sợ hãi nữa vì ngồi trên đó như được Thánh phù hộ và các cháu buộc cũng rất cẩn thận, chắc chắn, nên không còn thấy sợ", cụ Cường chia sẻ.
Kiệu chúa được rước đi đầu bởi các thanh niên khỏe mạnh trong làng, vừa đi vừa reo hò xoay kiệu. Người được chọn đóng vua sẽ tự lên đền Thượng làm lễ tế Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương, trong khi người đóng chúa sẽ lên đền Sái làm lễ thỉnh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ.
Hàng trăm người dân đi theo cổ vũ cho đoàn rước kiệu, tạo nên sự hứng khởi cho những ngày đầu năm mới.
Đám rước đi trong tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng chiêng trống trầm hùng trang nghiêm mà vẫn nhộn nhịp tưng bừng. Kèm theo những tiếng hò reo của các thanh niên trai cháng mỗi khi xoay kiệu.
Sau khi đoàn rước kiệu tới Đền, Chúa sẽ vòng sang đền Thượng cùng vua làm lễ ướm gươm, chém ba nhát vào tảng đá lớn. Đây là hành động biểu trưng cho việc chém đầu tinh gà trắng ngày trước. Tiếp đến, lễ mừng tựa sẽ được thực hiện, tức là bêu đầu gà tượng trưng cho việc tinh gà trắng đã bị tiêu diệt, nhà vua có thể yên tâm tiếp tục xây thành.Tùng Đoàn