Lao động
Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
05:04 PM 08/03/2017
(LĐXH)- Ngày 8/3/2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” nhằm đánh giá hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua.
Đoàn chủ tịch điều hành hội nghị

Hội nghị nhằm đánh giá hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua. Hội nghị cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, thảo luận và đề ra các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian tới.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo các cơ quan liên quan và đại điện của hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cùng tham dự.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã khẳng định giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của quốc gia. Vấn đề này đã được Đảng và Chính phủ xác định là một trong những lĩnh vực trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, xoá đói giảm nghèo, ổn định và phát triển đất nước. Đặc biệt, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn được coi là hoạt động mang tính chất xã hội sâu sắc thông qua việc phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Bên cạnh đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng chính là một bộ phận của hoạt động kinh tế đối ngoại; hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước tiếp nhận lao động.

Tính từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước đã đưa được khoảng 93.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt từ năm 2012 trở lại đây, mỗi năm đưa được khoảng 103.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, riêng trong năm 2016 là trên 126.000 lao động, vượt 26% kế hoạch đề ra. Hằng năm tiền gửi về nước từ hoạt động này khoảng từ 1,6 đến 2 tỷ USD. Đến thời điểm này, cả nước có 282 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Phần lớn các doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép luôn coi trọng công tác tuyển chọn, quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã đưa được số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang xây dựng Đề án  "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025". Đề án nhằm đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc. Đây được coi là tìm hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp, để họ có cơ hội tham gia các chương trình xuất khẩu lao động, tìm việc làm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cùng với những thuận lợi, ghi nhận những kết quả đạt được thì hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều thách thức. Thị trường lao động quốc tế ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia cung ứng lao động; nguồn lao động của ta cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về trình độ tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật; các doanh nghiệp còn chưa phát huy hết hiệu quả; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động còn chưa đồng bộ.

Đại diện hơn 200 doanh nghiệp tham gia tại hội nghị

Đại diện các doanh nghiệp tham gia hội nghị đều đồng thuận với những nội dung báo cáo tình hình và kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua. Đồng thời, các đơn vị đã có những những phát biểu chân thực, những ý kiến quý báu để tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần đạt được mục tiêu từ năm 2017-2020, hằng năm đưa đi được từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo.

Các ý kiến phản ánh xoay quanh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp cũng như bản thân người lao động đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phương án nâng tính pháp lý, sự ràng buộc về mặt trách nhiệm của người lao động; một số khó khăn cần tháo gỡ thông qua đàm phán giữa các bên đối tác; doanh nghiệp cần có cơ sở dựa trên định hướng, kế hoạch dài hạn của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để có sự chuẩn bị chu đáo về mặt nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác này; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp; những thay đổi trong chính sách tiếp nhận, cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động nước ngoài của các quốc gia tiếp nhận lao động...

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe ý kiến chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp

Nhấn mạnh việc đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần công khai hóa thông tin của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hơn nữa, phải có cơ chế tiếp thu phản hồi của người lao động để hoàn thiện chính sách, đồng thời, cần có cơ quan đứng ra tiếp nhận, giám sát và xử lý vi phạm của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các doanh nghiệp đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Phó Thủ tướng cho rằng hoạt động này không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân và gia đình người lao động về mặt kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn là bước chuẩn bị lực lượng lao động lâu dài trong nhiều lĩnh vực, đem lại cơ hội lớn cho người lao động trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài, tích cực tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn mang trọng trách giữ gìn hình ảnh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Tới đây, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động quốc tế về số lượng, trình độ và ngành nghề, giúp giải quyết vấn đề thiếu nhân lực tại các nước tiếp nhận, đảm bảo mang lại hiệu quả cho người lao động. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công tác chỉ đạo để chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong chính sách cũng như thực tế nâng cao chất lượng hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tiếp thu và ghi nhận ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đề ra. Theo đó, công tác quản lý Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện các thể chế, chính sách, đánh giá tác động của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hoàn thiện hồ sơ trình sửa Luật này để trình Chính phủ vào cuối năm 2017, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội vào năm 2019; rà soát các văn bản luật và dưới luật để thay đổi, sửa chữa những điểm chưa phù hợp; cố gắng sàng lọc, tích hợp các văn bản riêng lẻ vào một văn bản đảm bảo đầy đủ, cụ thể các nội dung. Bên cạnh đó, Bộ sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được lao động đi, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp không duy trì việc đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, Bộ sẽ thu hồi giấy phép hoạt động. Đồng thời, cũng sẽ có phương án nâng cao trách nhiệm của người lao động trong hoạt động này; đẩy mạnh phối hợp với các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, đối tượng mới.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao bằng khen các doanh nghiệp

Nhân dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tặng Bằng khen cho 08 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động XKLĐ giai đoạn 2011 - 2016./.

Đăng Doanh

 

 

 

Từ khóa: