Xã hội
Chia sẻ kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi
06:34 PM 31/08/2016
Nhằm đánh giá, tổng kết những kết quả sau 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi, đồng thời thấy được những khó khăn, hạn chế khi thực hiện, đề ra những giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới, sáng ngày 31/8, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Trọng Đàm; ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội và nhóm chuyên gia tư vấn cùng đại diện một số Sở Lao động – TBXH các tỉnh, thành phố.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động- TBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, triển khai Luật Người cao tuổi, Chính phủ  đã ban hành nhiều Nghị định, các Bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn nhằm đưa chính sách của Luật đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi (NCT), các cấp, các ngành đã duy trì sự phối hợp liên ngành trong thực hiện chính sách. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện Báo cáo đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi nhằm phát hiện những bất cập, những vấn đề không phù hợp trong thực hiện chính sách, vấn đề huy động nguồn lực, đời sống an sinh cơ bản của NCT vì Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, bộ phận NCT chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số, nhìn nhận vấn đề NCT ở 2 khía cạnh: An sinh xã hội NCT; phát huy vai trò NCT khi NCT chiếm 12 – 15% dân số.
Theo thống kê, ở Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,5% dân số, dự báo đạt 20% vào năm 2038. Già hoá dân số đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho phát triển kinh tế-xã hội. Vấn đề chăm sóc và phát huy vai trò của NCT là một trong những nội dung mà chính sách, pháp luật của các quốc gia cần đặc biệt quan tâm, vừa phải bảo đảm chất lượng cuộc sống vừa phải phát huy những giá trị nhân văn, tích cực của NCT. Luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009 đã tạo khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích của NCT và là cơ sở để hình thành chính sách và giải pháp đón đầu với một xã hội già hóa trong tương lai. Sau 5 năm, các quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam Đàm Hữu Đắc nêu lên một số thách thức trong việc thực hiện Luật Người cao tuổi
Hàng năm, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội cho trên 1,5 triệu NCT, góp phần giảm bớt khó khăn cho đối tượng, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lớp NCT, nâng cao vai trò, vị thế của NCT. Công tác mừng thọ, chúc thọ cũng được quan tâm đặc biệt, đây là sự động viên về mặt tinh thần, rất có ý nghĩa đối với NCT. Trung bình mỗi năm, cả nước đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho từ 1 triệu đến 1,1 triệu NCT, thăm hỏi động viên hơn 900 nghìn NCT khi ốm đau bệnh tật, tặng quà trong dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc, đặc biệt đối với hộ nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT được quan tâm, tạo điều kiện. Hầu hết NCT thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, NCT thuộc hộ nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được miễn giảm viện phí, được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí theo quy định. Nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe như mắt sáng cho NCT, khám chữa bệnh miễn phí được Hội Người cao tuổi và các địa phương thực hiện thường xuyên.
PGS.TS Lưu Bích Ngọc, chuyên gia tư vấn, Giám đốc Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác chăm sóc, trợ giúp NCT vẫn còn nhiều khó khăn, một số văn bản ban hành còn chậm, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện chính sách. Một số chính sách, quy định chưa phù hợp, chế độ thấp. Cụ thể, tuổi hưởng trợ cấp xã hội quy định đủ 80 tuổi quá cao, mức chuẩn trợ giúp xã hội 270 ngàn còn quá thấp. Quy định về miễn giảm phí giao thông, cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí chưa mang tính thực thi cao do thiếu chế tài hoặc các biện pháp khuyến khích, cơ chế kiểm tra. Quy định về khám chữa bệnh ban đầu cho NCT ở tuyến cơ sở theo Thông tư số 35/2011/TT-BYT của Bộ Y tế còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Các quy định về tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe cho NCT phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí địa phương nên còn hạn chế, dẫn tới khó khăn trong triển khai. Bên cạnh đó, các hướng dẫn, quy trình, biểu mẫu cho thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT ở cấp cơ sở chưa được xây dựng đồng bộ dẫn tới các địa phương lúng túng trong thực hiện. Tỷ lệ  NCT đến khám, chữa bệnh, được lập hồ sơ quản lý sức khỏe định kỳ tại y tế tuyến cơ sở còn rất thấp. Nhiều bệnh viện tuyến huyện chưa tổ chức được khoa lão khoa. Trạm y tế xã/phường là nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho NCT, nhưng tỷ lệ NCT có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ở đây còn thấp.
Trong quá trình thực hiện còn có nơi chính quyền địa phương, cơ sở chưa xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với NCT; thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể, xem hoạt động NCT chỉ là những hoạt động phong trào, là công tác của Hội Người cao tuổi. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách luật pháp chưa kịp thời, thiếu chương trình, kế hoạch tuyên truyền tổng thể. Nhiều địa phương, nhất là ở cơ sở, cán bộ chưa nắm rõ các văn bản liên quan đến NCT để triển khai thực hiện. Sự phối hợp liên ngành để thực hiện công tác NCT còn hạn chế, nhiều nơi còn coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nhóm các chuyên gia thảo luận trả lời các câu hỏi của đại biểu
Chế độ miễn giảm phí giao thông, du lịch, tham quan, sân, bãi vui chơi, giải trí, các công trình xây dựng phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi chưa thực hiện kịp thời, đồng bộ. Nhiều địa phương chưa thực hiện miễn giảm giá vé, phí thăm quan tại cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao nhất là khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ. Hiện hầu hết người cao tuổi chưa được hưởng chính sách giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia hoạt động giao thông công cộng.
Người cao tuổi gặp nhiều khó khăn để tiếp cận các dịch vụ y tế khi ốm đau bệnh tật, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, người cao tuổi ở vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại rất khó khăn, các cơ sở y tế thường thiếu thốn về thiết bị và đội ngũ y, bác sỹ… Việc chăm sóc đời sống người cao tuổi về vật chất, tinh thần chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là ở các xã/phường còn khó khăn, phải dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ cấp trên. Công tác chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi tại một số địa phương còn chậm, thiếu kinh phí, do nguồn ngân sách để mừng thọ các cụ độ tuổi 70, 75, 80, 85... trên 100 tuổi do ngân sách xã/phường bảo đảm.
Công tác phối hợp, kiểm tra giám sát ở địa phương còn hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu, tiêu chí kiểm tra, giám sát chưa thống nhất, đồng bộ làm cơ sở cho việc đánh giá mục tiêu của Luật và Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi. Bên cạnh đó, các nguồn lực bao gồm cả nhân lực và tài chính còn thiếu và yếu cũng là những hạn chế trong công tác thực hiện và kiểm tra, giám sát.
Trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi, tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề về nâng cao việc thực hiện Luật Người cao tuổi cũng như thách thức trong việc thực hiện Luật.
Hồng Phượng
Từ khóa: