Chú trọng đào tạo nhân lực ngành Công tác xã hội
(LĐXH) - Sau 10 năm triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, hoạt động đào tạo nhân lực ngành công tác xã hội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội ngày càng gia tăng của người dân.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại buổi Khai giảng khóa đào tạo cán bộ công tác xã hội với trẻ tự kỷ
Thống kê hiện nay, cả nước có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội; có 4 trường đào tạo thạc sỹ, 2 trường đào tạo tiến sỹ công tác xã hội (năm 2004 mới chỉ có 1-2 trường đào tạo chuyên ngành công tác xã hội). Chuyên ngành này cũng đã thu hút được nhiều học sinh theo học, số tuyển sinh hàng năm khoảng 3.500 chỉ tiêu cử nhân/năm. Đây được coi là một bước phát triển mạnh mẽ của ngành công tác xã hội, mở đường cho việc chuyên nghiệp hóa các cán bộ làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội ở nước ta.
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong công tác đào tạo nhân lực ngành Công tác xã hội, Cục đã phối hợp với Học viện Xã hội Châu Á, UNICEF, FHI và các trường Đại học trong nước nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu đào tạo cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc trực tiếp với đối tượng, gồm 23 Module; xây dựng 5 cuốn giáo trình công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp người nghiện; biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề công tác xã hội.
Đến nay, đã đào tạo hàng trăm cán bộ, quản lý công tác xã hội cấp cao tại 2 miền Nam-Bắc; đào tạo thạc sỹ công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ quản lý công tác xã hội cho 203 cán bộ quản lý đã hoàn thành khóa học thạc sỹ CTXH năm 2016-2017; đào tạo trên 600 giảng viên dạy nghề công tác xã hội cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước; đào tạo 3 khóa công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ cho gần 600 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội; đào tạo quản trị đổi mới cơ sở trợ giúp xã hội; đào tạo công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi; đào tạo giảng viên nguồn công tác xã hội cho các trường đại học của Việt Nam. Ngoài ra, hàng năm còn hỗ trợ các tỉnh/thành phố bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 10.000 cán bộ, nhân viên công tác xã hội; hỗ trợ các tỉnh, thành phố đào tạo lại cho công chức, viên chức công tác xã hội hệ vừa làm, vừa học với khoảng 3.000 chỉ tiêu/năm.
Công tác đào tạo cán bộ, quản lý công tác xã hội luôn được quan tâm thực hiện
Trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội tập trung đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo công tác xã hội ở từng cấp trình độ; tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học cho đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội đang làm việc hội tại các trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, các cơ sở trường học, bệnh viện và các cơ sở của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó ưu tiên cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên làm công tác xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, giảm nghèo; Tổ chức các chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển CTXH cho cán bộ của các Bộ, ngành liên quan; đảm bảo chuyên môn hoá CTXH cùng với hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho 80.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội, gồm: Đào tạo, đào tạo lại cho 40.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học (bình quân 4.000 người/năm); đào tạo cho cán bộ y tế lao động xã hội cho tối thiểu 1.000 chỉ tiêu/năm; đào tạo kỹ năng công tác xã hội chuyên sâu trong chăm sóc, phục hồi, trợ giúp đối tượng đặc thù, tối thiểu 500 chỉ tiêu/năm.
Đồng thời xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo công tác xã hội phù hợp với nhu cầu hội nhập quốc tế, đạt yêu cầu ngang bằng chuẩn đào tạo của các nước khác trong khu vực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công tác xã hội. Đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên ngành công tác xã hội ở bậc sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ), cung cấp nguồn nhân lực giảng dạy về công tác xã hội cho các trường cao đẳng và đại học khác trong cả nước. Vì vậy, cần xây dựng và hoàn thiện chuẩn các chương trình đào tạo ở một số trường đại học, sau đó nhân rộng ra cả nước; chú trọng hợp tác quốc tế về đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ về công tác xã hội với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chỉ đạo các Trường Đại học Lao động-Xã hội, Đại học Quốc gia và các trường đại học, cao đẳng có đào tạo nghề công tác xã hội phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu hoàn chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo công tác xã hội bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; Hỗ trợ các khoa có đào tạo công tác xã hội tại các cơ sở đào tạo./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Công tác xã hội kết nối, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Yên Bái
05-11-2024 14:01 50
-
Yên Bái hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ em
04-11-2024 15:34 16
-
TP.HCM: Một ngày phát triển thêm 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
03-11-2024 11:50 18
-
Hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Định Hoá
31-10-2024 13:24 23
-
Quảng Ninh: Tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
31-10-2024 13:23 57
-
Khánh Hoà: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
31-10-2024 11:24 10