"...Cần phải làm cuộc cách mạng quyết liệt, triệt để trong lĩnh vực lao động, việc làm..."
LĐXH - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Cục Việc làm diễn ra sáng ngày 9/2...
Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Công đoàn Bộ, Tổng cục Dạy nghề, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Bảo hiểm Xã hội, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Bộ,...
Báo cáo về tình hình việc làm trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: "Giai đoạn 2011-2016, Cục Việc làm đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa được quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn; nhiều chính sách được người lao động và người sử dụng lao động đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn và tính nhân văn như bảo hiểm thất nghiệp, vay vốn giải quyết việc làm, chính sách việc làm công... Việc ban hành kịp thời các chính sách thị trường lao động đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 9,4 triệu lao động trong cả nước; cho vay vốn từ Qũy quốc gia về việc làm đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động mỗi năm, chủ yếu là lao động nông thôn (chiếm 90%); hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển của các tỉnh miền Trung... Công tác thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường lao động được quan tâm triển khai và kết nối, chia sẻ trên cổng thông tin điện tử việc làm. Mạng lưới Trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước bước đầu đáp ứng được nhu cầu về thông tin thị trường lao động của người lao động và doanh nghiệp như hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển dụng thông qua sàn giao dịch (với 5.579 phiên giao dịch, 4.159 nghìn lượt người nhận được việc làm). Ngoài ra, Cục Việc làm còn chỉ đạo các Trung tâm tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề theo quy định của pháp luật. Lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp cũng được Cục Việc làm chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm đã hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động chuyên môn, tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng phần mềm quản lý, kiểm tra giám sát... nhằm giải quyết đúng, đầy đủ chế độ cho người lao động. Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng cao, đến nay đã có 11,06 triệu người tham gia. Tính hết năm 2016, cả nước đã giải quyết hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp cho hơn 2,9 triệu lao động... Tiếp đó, Cục Việc làm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật cho lao động nước ngoài đến làm việc; thẩm định chặt chẽ nhu cầu sử dụng và cấp phép cho lao động nước ngoài theo các vị trí việc làm; thường xuyên rà soát, giám sát tình hình lao động nước ngoài, nhất là đối với lao động trái phép... Ngoài ra, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, hợp tác quốc tế... cũng đạt được một số kết quả nhất định. Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục Việc làm cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế về thông tin thị trường lao động bị chia cắt, một số chỉ tiêu chưa thống nhất; thiếu thông tin, báo cáo đánh giá tác động trong lĩnh vực việc làm; chưa kết nối phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ cho người lao động..."
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Cục Việc làm tập trung vào các nội dung: hoàn thiện hệ thống pháp luật và giải pháp phát triển thị trường lao động và xây dựng Chiến lược phát triển thị trường lao động; xây dựng và triển khai các chính sách về việc làm thanh niên, việc làm đối với người chấp hành xong án phạt tù và các đối tượng lao động khó khăn; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý lao động, lao động nước ngoài, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành...
Đại diện một số đơn vị có liên quan cũng đưa ra những ý kiến xung quanh việc xây dựng chính sách việc làm hỗ trợ người lao động cũng như người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, dự báo và kết nối thông tin về thị trường lao động...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng cũng như kết quả của Cục Việc làm, đã góp phần vào việc hoàn thành công việc chung của Bộ, ổn định chính trị-xã hội, các dự báo ngắn hạn đã có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, lĩnh vực lao động, việc làm còn nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại cần phải tháo gỡ, điển hình là khâu dự báo, đánh giá tác động và thông tin thị trường lao động còn rất hạn chế; chưa làm tốt chức năng “bà đỡ”, kết nối giữa doanh nghiệp và thị trường lao động, giữa dạy nghề và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tình trạng thất nghiệp còn cao, nhất là sinh viên sau khi tốt nghiệp; công tác thanh, kiểm tra pháp luật, chính sách sử dụng lao động tại doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức...
Về phương hướng, Bộ trưởng chỉ đạo: "Thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về việc làm và giải quyết tình trạng thất nghiệp, đây là vấn đề quốc gia đại sự, là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước và toàn dân, góp phần ổn định an sinh xã hội. Cục Việc làm cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án về tổ chức dự báo cung - cầu lao động, thông tin số liệu có tính khả thi, kết nối với Tổng cục Thống kê đưa ra những dự báo về thị trường lao động quốc gia...Tập trung đánh giá công tác quản lý Nhà nước, chi phí, vận hành của bảo hiểm thất nghiệp; nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm; úng dụng công nghệ thông tin trong kết nối thị trường lao động giữa doanh nghiệp và người lao động...
Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải làm cuộc cách mạng quyết liệt, triệt để trong lĩnh vực lao động, việc làm... Đặc biệt, trong năm 2017, Cục Việc làm cần làm tốt các phần việc mà đơn vị đảm trách, xác định khâu đột phá trong từng lĩnh vực cụ thể nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao...”./.
N.Ngọc
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48