Chung tay chăm lo cho trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều trẻ em mất đi cha, mẹ, rơi vào hoàn cảnh không nơi nương tựa. Ngoài những chính sách hỗ trợ đột xuất và lâu dài của Nhà nước, lúc này, các em rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để vơi bớt đi những khó khăn và phần nào bù đắp nỗi đau quá lớn mà các em phải gánh chịu.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, Thành phố có hơn 1.500 trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19. Trong số đó, có hơn 1.000 em đang học tiểu học và trung học cơ sở.
Trong bối cảnh có số lượng lớn trẻ em mồ côi cha, mẹ do COVID-19, chính quyền TPHCM đã xác định cần phải có những chính sách chăm lo chu đáo, lâu dài cho các em có hoàn cảnh đặc biệt này. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị rà soát, lập danh sách các trẻ mồ côi cha, mẹ do COVID-19; tổ chức thăm hỏi, động viên và nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu, xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm, trình UBND Thành phố trước ngày 25/9.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam, Chính phủ, Bộ LĐTB&XH và các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có trẻ em mồ côi. "Chúng ta đang có 2 chính sách hỗ trợ, đó là hỗ trợ đột xuất theo Nghị định 68 và Quyết định 23; thứ 2 là chính sách hỗ trợ, trợ giúp lâu dài theo Nghị định 20", ông Đặng Hoa Nam cho biết.
Theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, mỗi trẻ mồ côi cả cha và mẹ dưới 4 tuổi sẽ được nhận trợ cấp hơn 900.000 đồng/tháng; những em hơn 4 tuổi trở lên được trợ cấp 540.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, khi sống tại nơi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12. Nguồn kinh phí đến từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Bên cạnh những chính sách của Nhà nước, lúc này, các em rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để vơi bớt đi những khó khăn và phần nào bù đắp nỗi đau quá lớn mà các em phải gánh chịu. Nhiều chương trình đang được phát động, nhiều tình cảm đang hướng đến các em, giúp các em có được sự sẻ chia và chăm sóc tận tình.
Hội đồng Đội TPHCM đã phát động chương trình hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch bệnh COVID-19 cho đến khi các em học hết cấp 3. Hơn một tháng qua, chương trình đã nhận được đăng ký của hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể với hơn 400 suất học bổng cho đội viên, học sinh với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.
Bên cạnh hỗ trợ kịp thời về vật chất, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, điều lo ngại nhất lúc này chính là vấn đề chăm sóc, trị liệu tâm lý cho trẻ em mồ côi. Chúng ta vừa phải chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất, vừa phải giúp các em giảm bớt sang chấn tâm lý. Hiện nay, Cục Trẻ em đã chỉ đạo địa phương tăng cường hỗ trợ theo dõi chăm sóc trẻ mồ côi nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu sang chấn để tư vấn.
Ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, người chăm sóc trẻ có thể kết nối để được hỗ trợ tư vấn với các nhóm thiện nguyện như đường dây nóng 1900636700, do các chuyên gia đầu ngành làm dịch vụ hỗ trợ trẻ em phụ trách. Dịch vụ này được duy trì từ 8h-22h hằng ngày.
Nhận định về các chính sách hỗ trợ trẻ em về lâu dài, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho rằng, việc các bộ, ngành, địa phương cần làm ngay là thống kê, rà soát, phân loại đầy đủ những trẻ em bị tác động bởi đại dịch để có đánh giá đầy đủ những trường hợp đó. Trong đại dịch, cần có sự động viên kịp thời, chăm lo trực tiếp, hỗ trợ đầy đủ để các em vượt qua mất mát. Hiện mới chỉ có TPHCM có chính sách đặc thù cho trẻ em mồ côi. Các tỉnh, thành phố khác đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng cần nhanh chóng thống kê và kịp thời ban hành chính sách cho các em trong thời điểm đặc biệt này.
Đồng quan điểm với ông Đặng Hoa Nam, ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, tác động nghiêm trọng nhất đối với trẻ em mồ côi là những vấn đề về tâm lý. Vì vậy, nhà trường, các cơ sở y tế, đặc biệt là cán bộ được giao chăm sóc trẻ em cần phối hợp để cùng động viên, chữa trị, giúp các em vượt qua sang chấn tâm lý.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, khi đại dịch gần kết thúc, chúng ta cần có một chính sách tổng thể hơn, hỗ trợ, chăm lo cho các em tại gia đình. Với các em có hoàn cảnh đặc biệt, không còn người thân, cần có biện pháp, hình thức chăm lo phù hợp.
Vừa qua, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với các lĩnh vực phụ trách, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã kiến nghị cơ chế, chính sách cho đối tượng trẻ em mồ côi cha, mẹ bởi đại dịch COVID-19. “Trong đợt dịch lần thứ 4, số lượng trẻ em mồ côi tăng đặc biệt lớn nên cần có chính sách, thậm chí có gói hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ luôn, ngay và khẩn trương đến với các đối tượng này; đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em, hiện nay các đơn vị này đang quá tải”, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Từ khóa:
-
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
26-12-2024 22:50 46
-
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
26-12-2024 16:46 33
-
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
26-12-2024 15:22 19
-
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
25-12-2024 16:19 46
-
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
25-12-2024 15:45 17
-
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
25-12-2024 15:44 18