Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Thay đổi theo hướng nào?
Sau thời gian lấy ý kiến, Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đã nhận được rất nhiều đóng góp. Tiếp thu đóng góp của nhiều giới, Ban soạn thảo đã đề xuất giảm thời lượng và giảm môn học ở mỗi bậc học. Để hiểu rõ hơn những tiếp thu, điều chỉnh của Ban soạn thảo, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục xung quanh vấn đề này.
Đổi mới chương trình cũng phải tính đến điều kiện đáp ứng của từng vùng miền
Thưa ông, dư luận vẫn băn khoăn tại sao không phân hóa luôn từ lớp 10 mà lại phân hóa từ lớp 11, 12?
Theo phân tích của Ban soạn thảo chương trình, học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS mới 15 tuổi, khó có thể định hướng nghề nghiệp ngay khi bước chân vào lớp 10. Đó là một lý do cần có một năm dự hướng. Lý do thứ hai là lên lớp 10, một số môn mới bắt đầu phân hóa thành môn độc lập như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý nên học sinh cần có thời gian để hệ thống hóa kiến thức của các môn này cũng như hiểu ứng dụng của các môn này trong cuộc sống và nghề nghiệp, từ đó chọn được những môn học ở lớp 11, 12 phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình.
Trong dự kiến điều chỉnh, lớp 10 vẫn là lớp dự hướng, nhưng sẽ học ít môn hơn số môn trong dự thảo ngày 12/4/2017.
Việc giảm thời lượng, giảm số tiết học có ảnh hưởng đến mục tiêu ban đầu đặt ra của chương trình không, thưa ông?
Dĩ nhiên là có, nhưng chủ yếu là ảnh hưởng đến mức độ và tiến độ thực hiện mục tiêu thôi. Ví dụ như Tin học, ban đầu Ban soạn thảo định đưa vào từ lớp 1 thông qua môn Thế giới công nghệ. Mục tiêu là để phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xóa khoảng cách số, khắc phục sự chênh lệch về thông tin, nhận thức giữa các khu vực phát triển khác nhau của Việt Nam. Nhưng qua góp ý của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các thầy cô, các nhà quản lý, Ban soạn thảo nhận thấy khó có thể khắc phục sớm hạn chế về cơ sở vật chất ở những vùng mình mong muốn nâng cao trình độ tin học nhất, vì vậy đành phải “đẩy” môn học lên lớp 4, lớp 5, tức là chậm mất 3 năm. Rõ ràng mục tiêu mình muốn cao hơn nhưng phải chấp nhận mục tiêu khả thi hơn, sát thực tế hơn.
Có chuyên gia đặt câu hỏi mục tiêu đặt ra cao, nhưng thời lượng dạy ít, do đó, chương trình quá tham vọng. Ông nghĩ sao?
Đúng là mục tiêu cao mà số giờ học thấp thì quá tải. Do đó, phải xác định mục tiêu cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải đổi mới cách dạy, cách học. Tôi rất thích phương châm giáo dục của nhà trường Singapore: “Dạy ít, học nhiều”.
Việc điều chỉnh chương trình tổng thể có ảnh hưởng đến tiến độ soạn thảo chương trình bộ môn như thế nào, thưa ông?
Chắc chắn ảnh hưởng đến tiến độ soạn thảo chương trình môn học. Nhưng chúng tôi đang cố gắng để hoàn thành các chương trình môn học sớm nhất có thể.
Vậy liệu chúng ta có đạt được lộ trình như mong muốn?
Sau khi chương trình tổng thể cơ bản được Hội đồng thẩm định thông qua lần thứ nhất, chương trình môn học cũng đã được triển khai song song. Hy vọng tháng 7 này, chương trình môn học sẽ được đưa ra lấy ý kiến. Như vậy, chậm hơn 2 tháng so với dự kiến do chương trình tổng thể kéo dài thời gian lấy ý kiến hơn dự kiến.
Nhìn tổng thể có thể thấy, chương trình mới chỉ thực hiện được thành công khi giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng các trường. Theo ông, điều này có khả thi với thực tế của Việt Nam không?
Tôi xin đính chính là trao quyền tự chủ cho các trường, chứ không phải cho một mình hiệu trưởng. Dự thảo chương trình đã trao quyền này cho các trường và coi đó là một trong những điều kiện thực hiện chương trình mới. Vấn đề là khi chương trình được thông qua, cần có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ để thực hiện. Tôi hy vọng các bộ liên quan thấy được tầm quan trọng của quyền tự chủ của cơ sở. Ngay trong ngành cũng phải điều chỉnh cách quản lý cho phù hợp.
Tức là phải thay đổi cơ chế? (cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý chuyên môn?)
Chương trình tốt sẽ đặt nền móng lâu dài cho sự phát triển. Nhưng chương trình chỉ là một nhân tố giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác tác động, trong đó có cơ chế. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục mà ngành giáo dục (Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương) không “nắm”, không “quyết” được cả nhân sự lẫn tiền thì rất khó làm. Chắc chắn nhiều quy định sẽ phải sửa đổi, bổ sung, kể từ những quy định cụ thể như biên chế giáo viên, tuyển dụng, bổ nhiệm giáo viên và cán bộ quản lý cấp cơ sở,…
Vậy sao không đợi đến khi đủ điều kiện mới thực hiện?
Nếu như thế, có khi chúng ta phải đợi đến 50 năm nữa. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu phát triển của đất nước không cho phép chúng ta đợi lâu như thế.
Do chỉ có được một số điều kiện cơ bản (điều kiện “đủ”), chưa có những điều kiện “cần”, chúng ta phải “liệu cơm gắp mắm”, đổi mới phù hợp với điều kiện của chúng ta. Thoát ly điều kiện là tự làm khó mình.
Nhưng liệu có nhất thiết phải triển khai ngay lớp 1 từ năm 2018? Chúng ta có thể lùi thêm được không, thưa ông?
Những người biên soạn chương trình chúng tôi cố gắng thực hiện theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra. Còn việc triển khai ngay từ năm học 2018 – 2019 hay lùi đến năm học sau nữa thì do các cơ quan quản lý nhà nước quyết định và tôi tin là sẽ có quyết định sáng suốt để “chắc thắng”. Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu lùi triển khai thêm một năm thì nhiều tổ chức, cá nhân sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tìm hiểu chương trình, tham gia làm SGK.
Theo tienphong.vn
Từ khóa:
-
Trường Trung cấp Lục Yên gắn đào tạo với giải quyết việc làm
26-11-2024 14:10 53
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
26-11-2024 10:31 07
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
18-11-2024 11:01 13
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00