Xã hội
Chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em lần thứ hai: hành động khẩn cấp nhằm hạn chế các nguy cơ gia tăng số lao động trẻ em
09:03 AM 02/12/2021
LĐXH – Ngày 1/12/2021, Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phát động nhằm thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trong cuộc chiến chống lao động trẻ em.

Hội thảo triển khai có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu, bao gồm đại diện từ các bộ, ban, ngành, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU), các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, hiệp, hội ngành, nghề và doanh nghiệp, các sở, ngành có liên quan ở địa phương thực hiện Chương trình và một số tổ chức, cá nhân nghiên cứu và học thuật.Hội thảo toàn quốc được diễn ra với hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo

Theo ước tính của ILO, năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cảnh báo số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu (168,9 triệu) vào năm 2022. Ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018, cho thấy: lao động trẻ em từ 5-17 là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em từ 5 - 17 tuổi, thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu năm 2016 tương ứng là 9,6% và 10,6%.

Thời gian qua, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã được bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế quan tâm phối hợp, hỗ trợ và thu được kết quả đáng ghi nhận: Hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến lao động trẻ em ngày càng hoàn thiện; Công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ ngành, đoàn thể. Huy động được sự tham gia của của các tổ chức liên quan, doanh nghiệp và toàn xã hội; Triển khai quy trình hỗ trợ can thiệp lao động trẻ em trên toàn quốc; Năng lực triển khai công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em của các cấp, ngành được nâng cao; Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát về lao động trẻ em được quan tâm thực hiện. Việt Nam đã tăng cường hội nhập quốc tế trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em và trở thành một trong 15 quốc gia tiên phong tham gia êLin minh 8.7.

Những nỗ lực này là minh chứng cho các cam kết của Việt Nam với tư cách là quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu 8.7 - quan hệ đối tác nhiều bên nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 8.7. Do đó, Chương trình cũng đóng góp và thực hiện lộ trình của Việt Nam hướng tới thực hiện mục tiêu SDG 8.7. Trong bối cảnh hiện nay, những hành động khẩn cấp cần đươc triển khai nhằm hạn chế các nguy cơ gia tăng số lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức chủ động triển xây dựng các kế hoạch, các giải pháp phù hợp với thực tiễn để làm tốt hơn công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em theo trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch theo Nghị quyết số 68, số 126; lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025), các kế hoạch, đề án của bộ, ngành, địa phương.

Nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề lao động trẻ em đã được đẩy mạnh trong thời gian qua

Bà Bharati Pflug, chuyên gia cao cấp của ILO nhấn mạnh những tác động có hại của lao động trẻ em. Bà lưu ý rằng lao động trẻ em không chỉ gây rủi ro về uy tín cho Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại quốc tế và làm suy yếu năng lực của lực lượng lao động tương lai của đất nước, mà còn làm xói mòn quyền của trẻ em và gia tăng tình trạng nghèo đói theo chu kỳ. Buổi ra mắt hôm nay thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai. “Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em sẽ đảm bảo rằng cam kết này được áp dụng trên thực tế, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu; điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước sau COVID-19”, bà Bharati Pflug cho biết thêm.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho biết: “Lao động trẻ em có thể phòng ngừa được thông qua các cách tiếp cận tích hợp đồng thời giải quyết tình trạng nghèo đói, thiếu thốn và bất bình đẳng, cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ bảo trợ xã hội, chất lượng giáo dục và huy động sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng quyền trẻ em. Cũng cần chú trọng thúc đẩy các quy định về điều kiện lao động đối với trẻ em đủ tuổi lao động; thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và thái độ của công chúng trong việc phản đối lao động trẻ em; đưa các mối quan tâm về lao động trẻ em vào các kế hoạch giáo dục; và thúc đẩy khu vực tư nhân và tổ chức xã hội cùng hành động để xóa bỏ lao động trẻ em”.

Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 782/QĐ - TTg ngày 27 tháng 5 năm 2021. Chương trình được xây dựng dựa trên những thành công và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO và UNICEF.

Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, chương trình có 03 mục tiêu cốt lõi: ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật và hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; và nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Các đại biểu tham gia trực tiếp tại hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về những thách thức liên quan đến đại dịch sẽ làm tăng nguy cơ lao động trẻ em, bao gồm suy giảm kinh tế, tác động của tình trạng thiếu việc làm và mất việc làm đối với các hộ gia đình, rào cản đối với giáo dục, mất an ninh lương thực, gia tăng tỷ lệ tử vong và chi phí y tế cao. Việc triển khai các chương trình chính sách an sinh xã hội được nhấn mạnh trong bối cảnh này, phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, sẽ góp phần hỗ trợ Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em./.

Đăng Doanh

Từ khóa: