Chuyển biến về tác phong làm việc sau xuất khẩu lao động
Mặc dù trước khi xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhiều lao động trẻ trên địa bàn xã Phương Tiến (Vị Xuyên) cơ bản hội tụ “yếu tố 3 không”: Không nghề, không ngoại ngữ, không tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động. Tuy nhiên, sau hợp đồng lao động 3 năm tại một số nước thành viên ASEAN như Malaysia,... họ đã tự rèn luyện, hòa nhập, tạo tác phong mới cho chính bản thân mình để lao động an toàn, hiệu quả, từng bước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương.
Những năm gần đây, tại xã Phương Tiến có hàng chục lao động địa phương XKLĐ sang thị trường Malaysia. Chính cuộc “hội nhập” này đã góp phần tạo đà để họ lập nghiệp thành công ngay tại mảnh đất quê hương.
Trong quá trình làm công nhân tại các nhà máy, xưởng cơ khí của Malaysia, anh Hà Văn Lâu (thôn Sửu) được tiếp xúc với nghề cơ khí và dần lành nghề sau nhiều năm lao động. Kết thúc thời hạn hợp đồng lao động, trở về quê hương mang theo vốn nghề đã có, cuối năm 2015, gia đình anh mở xưởng cơ khí, chuyên các sản phẩm từ sắt, nhôm, inox, trần nhựa tôn, mái tôn. Dù thời gian hoạt động chưa dài nhưng nguồn thu nhập từ xưởng đã góp phần giúp anh Lâu từng bước tạo dựng nhà cửa khang trang, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt hơn, anh còn giúp 3 lao động trẻ của địa phương có việc làm tương đối ổn định với số tiền công từ 200 – 300 nghìn đồng/người/ngày. Anh Lâu chia sẻ: “Làm công nhân cơ khí đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, tỉ mỉ, chính xác, có ý thức trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra và không ngừng rèn rũa nâng cao tay nghề. Riêng với anh em lao động tại xưởng, tôi chỉ yêu cầu ngày làm việc 8 giờ, nếu làm thêm giờ sẽ tính tiền công một cách sòng phẳng”. Theo nhận xét của nhiều người, có lẽ, sau quá trình lao động tại Malaysia đã giúp anh Lâu từng bước hình thành tác phong công nghiệp, biết cách quản lý thời gian, lao động để làm việc hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình và người lao động... Hơn nữa, khi có chuyên môn cao, điều đó rất dễ để XKLĐ. Bởi đơn vị nào cũng cần thị trường lao động cơ khí lành nghề, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Sau thời gian lao động tại Malaysia trở về địa phương, nếu như anh Hà Văn Lâu mở xưởng cơ khí, phát huy vốn nghề đã có thì anh Hà Văn Đức (thôn Sửu) lại có con đường phát triển riêng. Anh chia sẻ: “Quá trình làm công nhân tại Malaysia đã giúp tôi học tập được nhiều bài học quý. Đó là việc thường xuyên học tập ngoại ngữ để dễ dàng giao tiếp và học hỏi kinh nghiệm làm việc của đối tác. Tiếp đến, có thể học tập cách quản lý thời gian, quản lý con người của chủ đơn vị nhận lao động cũng như cách phân công đảm nhiệm từng khâu trong công việc. Đặc biệt hơn, đó còn là bài học về ý thức chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, không ngừng nâng cao kỹ năng nghề”... Do vậy, hết thời gian hợp đồng lao động tại Malaysia, nhận thấy mình cần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề, anh Đức bắt đầu học trung cấp chuyên nghiệp và theo học hệ tại chức tại trường Đại học Nông, lâm Thái Nguyên. Giờ đây, một vai anh đã đảm nhiệm rất nhiều trọng trách với quê hương. Đó là vai trò của Bí thư Chi bộ thôn Sửu kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận, cán bộ khuyến nông, thú y thôn Sửu và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã toàn thôn. Với những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của quê hương, Chủ tịch UBND xã Phương Tiến, Bùi Trung Thu đã dành cho anh Đức những lời ngợi khen: Với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, nói đi đôi với làm, Đức là một trong những cán bộ thôn năng động, gương mẫu, có nhiều đóng góp cho địa phương. Điển hình như, Đức đã vận động nhân dân hiến đất, mở rộng 1,3 km đường nội thôn từ loại đường 2,5m lên 5m mà chưa cần sự vào cuộc của cấp xã. Hơn nữa, mọi chỉ thị, nghị quyết của các cấp đều được Đức triển khai đến từng hộ dân. Từ đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển toàn diện của thôn...
Có thể khẳng định, trong những năm gần đây, XKLĐ là lĩnh vực việc làm mới đối với người lao động xã Phương Tiến nói riêng, huyện Vị Xuyên nói chung. Điều này không chỉ là giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn mở ra cơ hội cho người lao động tiếp cận thị trường lao động quốc tế, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu khoa học, công nghệ tiên tiến nhằm áp dụng linh hoạt vào thực tiễn. Song, với xuất phát điểm đa phần là lao động nông thôn, chưa hình thành tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật chưa nghiêm, giao tiếp ngoại ngữ hạn chế... Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cấp thiết để cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu XKLĐ, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay...
Theo Báo Hà Giang
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48