Chuyện bình đẳng giới ở tổ dân phố của tôi
(LĐXH)- Người ta thường nói: “Gia đình chính là tế bào của mỗi xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, là nơi để mọi người được thể hiện, bày tỏ tình yêu thương, sự chia sẻ dành cho nhau”. Nhưng hiện nay, một thực trạng rất đáng báo động đó là bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn còn tồn tại trong các gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng tới hạnh phúc gia đình.
Theo thống kê của Hội liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) TP Đà Nẵng, từ năm 2009 – 2017, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hơn 1.700 người gây BLGĐ bị xử lý, 433 người gây bạo lực được góp ý, phê bình tại khu dân cư, 14 người được giáo dục tại xã phường, 822 người bị xử lý hành chính và 44 người bị xử lý hình sự.
Không biết số liệu trên có đầy đủ không, nhưng chắc chắn các vụ BLGĐ ở tổ dân phố tôi sẽ không có trong số đó, bởi lẽ chưa bao giờ có báo cáo lên cấp trên.
Các đối tượng của BLGĐ gồm nhiều thành phần, nhưng người bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là phụ nữ. Như vậy, BLGĐ là một trong những biểu hiện bất bình đẳng giới thường xảy ra trong cuộc sống hôn nhân.Hạnh phúc gia đình là điều ai cũng mong muốn xây đắp (Ảnh minh họa)
Nếu kể từ năm 2009 đến 2018, ở tổ dân phố có 5 vụ ly hôn và 1 vụ có khả năng ly hôn, trong đó có 4 vụ vì BLGĐ. Ở bài viết này tôi chỉ nêu lên hai vụ điển hình, đó là vụ BLGĐ đã ly hôn của anh Phát và chị Lý và vụ bạo lực có khả năng sẽ ly hôn của vợ chồng chị Tâm.
Vợ chồng anh Phát có hai đứa con đang tuổi ăn học, cùng nhau mở một quán cà phê tại nhà trên đường Nguyễn Tất Thành. Nhìn cuộc sống hàng ngày của họ, ai nấy trong tổ đều trầm trồ, khen ngợi vì quán lúc nào cũng đông khách, con cái ngoan ngoãn, gia đình hạnh phúc. Nhưng bất ngờ, giữa năm 2015 vợ chồng kéo nhau ra toà, sau nhiều lần hoà giải không được, cuối cùng toà quyết định cho họ ly hôn, hai đứa trẻ về sống với mẹ.
Khi được hỏi về lý do, anh Phát chỉ nói là không hợp nhau thì ra đi thôi? Nhưng chị Lý tâm sự nguyên nhân ly hôn là do anh Phát luôn thể hiện tư tưởng gia trưởng có quyền "dạy bảo vợ ” bằng vũ lực đã đánh chị nhiều lần, có khi phải nhập viện. Chuyện bạo lực của anh Phát đối với chị Lý kéo dài nhiều năm nhưng ở tổ không ai biết, ngay cả ban điều hành, chi hội phụ nữ, bởi anh Phát không nói ra, còn chị Lý thì im lặng chịu đựng.
Chuyện của anh An và chị Tâm lại khác, hai vợ chồng sống với nhau hơn 30 năm, có ba đứa con, hiện hai cháu đã kết hôn ở chung với gia đình, anh làm việc tại một trung tâm Y tế ở Đà Nẵng, còn chị thì bán bánh mì theo nghề của mẹ để lại. Thu nhập hàng tháng dựa vào lương của anh và tiền bán bánh mì của chị đảm bảo cuộc sống cho cả nhà, nuôi ba đứa con ăn học.
Anh An làm việc xa nhà, nên thường ngày ở cơ quan cuối tuần mới về nên việc chăm sóc con cái đều do chị Tâm đảm nhận. Sự việc mâu thuẩn bắt đầu cách đây ba năm khi anh An được lên chức trưởng phòng, đã tổ chức liên hoan tại nhà, một số bạn bè khi biết chị Tâm bán bánh mì, đều nói vợ trưởng phòng mà đi bán bánh mì là không xứng đáng, làm cho anh chạnh lòng.
Từ đó anh An yêu cầu vợ không được đi bán hàng nữa, nhưng chị Tâm không đồng ý nên BLGĐ đã xảy ra. Vụ việc cứ kéo dài nhưng hàng xóm không hay biết gì, vì chồng luôn đóng cửa để đánh vợ, vào cuối năm 2017 anh An nghỉ hưu thì vụ việc xảy ra đến mức chị Tâm không chịu nổi kêu cứu tổ dân phố can thiệp.Trên cương vị là tổ trưởng, tôi đã nhiều lần trao đổi với họ và cách đây mấy ngày gặp hai vợ chồng cặp kè nhau đi dự đám cưới vui vẻ lắm, tưởng mâu thuẩn đã được giải quyết.
Không ngờ, khi đang viết bài này thì chị Tâm cầm đơn qua nhà kêu cứu vì bị chồng tiếp tục đánh đập. Tôi đã gọi điện báo cho các thành viên trong tổ hoà giải và công an phường tới nhà để giải quyết, nhưng chỉ có tôi và chi hội phụ nữ có mặt. Tại cuộc trao đổi anh An công nhận đôi khi nóng giận đã đánh vợ. Chị Tâm viết đơn xin ly hôn, nhưng anh An và các con không đồng ý.
Trên cương vị là tổ trưởng dân phố, tôi đã phân tích những sai trái của anh An là vi phạm vào luật Bình đẳng giới và có thể bị truy tố ra toà. Trước khi kết thúc cuộc trao đổi, tôi đã nói với anh chị và các cháu về việc xin ly hôn của mẹ được hay không là do hai người và toà quyết định, nhưng mong sao hai vợ chồng nên suy nghĩ lại vì các con, cháu luôn ước mong bố, mẹ, ông bà sống vui vẻ, hạnh phúc.
Đã nhiều đêm tôi không sao ngủ được, hình ảnh chị Tâm kêu khóc quỳ xuống lạy anh An xin được bình an cứ hiện ra, nếu vợ chồng ly hôn thì mình cảm thấy có lỗi vì đã không làm gì hàn gắn họ lại được. Mặc dầu mâu thuẩn đó là do hai vợ chồng gây ra, nhưng ban điều hành tổ dân phố, kể cả chi uỷ, tổ công tác mặt trận, chi hội phụ nữ đều có trách nhiệm đã không quan tâm đến đời sống người dân, nên họ chưa đặt niềm tin, thổ lộ những tâm tư, tình cảm trong cuộc sống để kịp thời ngăn chặn.
Luật Bình đẳng giới & Luật PCBLGĐ ra đời đã tạo hành lang pháp lí quan trọng cho việc xây dựng các mô hình và tổ chức các biện pháp phòng, chống BLGĐ có hiệu quả, nhằm xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Song những năm gần đây, trong các hội nghị của Đảng uỷ, UBND của Phường nơi tôi đang sinh sống đến hội nghị chi bộ, mặt trận, chi hội phụ nữ… ở khu dân cư chưa bao giờ thấy nhắc đến luật này, vì vậy người dân hầu như không hay biết gì.
Theo tôi nguyên nhân cơ bản dẫn đến BLGĐ là do sự mất bình đẳng về bình đẳng giới. Các hành vi BLGĐ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn, song việc xác định hành vi bạo lực trong gia đình thường khó chứng minh, bởi lẽ những người bị xâm hại thường nhẫn nhịn, chịu đựng.Vì vậy để hai Luật trên đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng, chúng ta cần phải tập trung thực hiện các giải pháp sau:
- Cần nâng cao nhận thức chấp hành tốt luật bình đẳng giới cho người dân là việc cần thiết phải làm của các đoàn thể, nhất là Hội phụ nữ cơ sở, việc tuyên truyền về bình đẳng giới không chỉ cho phụ nữ mà phải mở rộng sang nam giới - đối tượng chính gây nên nạn BLGĐ. Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội để định hình nhận thức.
Đồng thời phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình; vai trò của họ hàng, dòng họ. Phát hiện và làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, tránh việc tuyên truyền chung chung không gắn với chỉ đạo cụ thể, trách nhiệm quản lý của Lãnh đạo các ngành, các cấp.
- Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; cần quan tâm xây dựng gia đình văn hoá….trong đó cần đưa tiêu chí không có BLGĐ, bình đẳng giới để công nhận gia đình văn hóa, kết hợp xử lý nghiêm người có hành vi phạm Luật theo đúng quy định của Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
- Cần phát huy kỹ năng tư vấn của tổ hòa giải, cung cấp thêm tài liệu về giáo dục đời sống gia đình, đưa nội dung của hai luật trên vào các sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, chi hội phụ nữ để người dân biết và thực hiện, đồng thời cần lồng ghép chương trình phòng chống BLGĐ, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố,quận huyện, phường xã./.
Duy Hải
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48