Mỗi năm,Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Dòng lao động di cư này gửi về nước khoảng 1,8 đến 2 tỷ USD mỗi năm và góp phần rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Tuy nhiên, do làn sóng xuất khẩu lao động ngày càng lớn, việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động đang là bài toán cần lời giải của tổ chức công đoàn.
Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài được ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2007 hướng tới việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động và chấm dứt việc di cư bất hợp pháp là một trong những động thái tích cực cho thấy sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, cả quá trình di cư của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, từ khâu tuyển dụng, tập huấn trước khi đi, cho đến lúc họ sang nước ngoài sống và làm việc, rồi trở về nhà là một hành trình đầy gian nan. Họ thường gặp rất nhiều rủi ro, bị lừa, bị bóc lột và bị lạm dụng sức lao động và thậm chí là nạn nhân của nạn buôn bán người. Người lao động di cư thường phải đối mặt với các vấn đề khó khăn như làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, bị đánh đập hay lạm dụng mà không được bảo vệ, bị trả lương không xứng đáng và bị phân biệt đối xử về lương so với người bản địa... Ngoài ra, hạn chế về ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa cũng là rào cản khiến lao động di cư chịu thêm nhiều thiệt thòi.
Để bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động di cư đòi hỏi Việt Nam cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc hội nhập về mặt pháp lý trong lĩnh vực này, thông qua các công việc cụ thể như ký kết các Bản ghi nhớ với các nước tiếp nhận lao động, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới gia nhập Công ước quốc tế về quyền của người lao động di cư và các thành viên trong gia đình năm 1990; khi đó những quyền và lợi ích của người lao động di cư Việt Nam mới được bảo đảm một cách vững chắc, tránh sự phân biệt đối xử và bóc lột.
Hiện nay, phần lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa được tổ chức công đoàn bảo vệ. Nguyên nhân là do tổ chức công đoàn Việt Nam hạn chế về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và không thuộc các thỏa thuận ký kết giữa các chính phủ.
Để người lao động được bảo vệ, tránh những thiệt thòi không đáng có, rõ ràng công đoàn cần đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp đỡ người lao động làm việc ở nước ngoài vượt qua những khó khăn cơ bản trước khi xuất cảnh, trong quá trình làm việc ở nước ngoài cũng như sau khi trở về nước. Đặc biệt cần có giải pháp để giúp người lao động tìm đến những tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có những đơn hàng tốt với chi phí phù hợp. Tránh tình trạng người lao động phải trả những chi phí ngoài luồng để có thể đi làm việc ở nước ngoài và công việc họ sẽ làm khi đến nước tiếp nhận lại khác với loại hình công việc mà họ được thông tin trước khi xuất cảnh.
Muốn làm được vậy, vai trò của Công đoàn trong việc bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài cần được luật hóa. Chương trình hợp tác giữa Công đoàn Việt Nam và Công đoàn các nước tiếp nhận lao động cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Trần Huyền
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48