Thời sự
Công tác lao động việc làm ở Thanh Hóa: Kết quả và kiến nghị
10:28 AM 30/11/2018
(LĐXH) - Thanh Hóa hiện có dân số trong độ tuổi lao động là 2.396.000 người, trong đó, số người làm việc ở ngành Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 42,5%, Công nghiệp - xây dựng chiếm 30,5%, Dịch vụ chiếm 27%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,5%, thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 6,4%...
Nhiều lao động đến sàn giao dịch việc làm để được giới thiệu, tư vấn, tìm những công việc phù hợp
Trong 06 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tổ chức thẩm định và cho vay 836 dự án (trong đó, 835 dự án của người lao động và 01 dự án của cơ sở sản xuất kinh doanh) từ Quỹ Quốc gia về việc làm, doanh số cho vay đạt 32.095 triệu đồng góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 1.504 lao động (dự án của người lao động là 1.494 lao động, dự án của cơ sở sản xuất kinh doanh là 10 lao động); mức vay bình quân khoảng 21,3 triệu đồng/chỗ việc làm. Ngoài ra, Quỹ quốc gia về việc làm còn cho vay ưu đãi 01 lao động là thân nhân của người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền 100 triệu đồng.
Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng đặc thù, Thanh Hóa có khoảng: 5.500 bộ đội, công an xuất ngũ; 680.000 người dân tộc thiểu số (trong đó, 445.000 người trong độ tuổi lao động), 217.000 người khuyết tật (trong đó, khoảng 63.000 người khuyết tật có nhu cầu việc làm), 8.800 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề và thông tin thị trường lao động miễn phí cho các đối tượng dặc thù: bộ đội, công an xuất ngũ; lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn bằng các hình thức như: tư vấn trực tiếp, tư vấn tập trung, tư vấn thông qua các phiên giao dịch việc làm, tư vấn qua điện thoại, trang thông tin điện tử. Ngoài ra, Sở Lao động – TB và Xã hội đã hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm, giảm nghèo cho các đối tượng đặc thù; hướng dẫn hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, Thanh Hóa vẫn còn những vướng mắc, chẳng hạn như đối tượng cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội chủ yếu là người lao động (chiếm 96%), các dự án của người lao động thực chất là tăng thời gian làm việc, ổn định việc làm cho người lao động trong hộ, còn khả năng thu hút và mở rộng việc làm thấp. Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu chỉ quan tâm đến việc bảo đảm tiền vay, thu hồi vốn, không quan tâm nhiều đến chỉ tiêu tạo việc làm của các dự án vay vốn. Nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm mới chỉ đáp ứng được 10-15% nhu cầu vay vốn của nhân dân trong tỉnh.
Tiếp đó, việc thực hiện các chính sách về đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù chủ yếu thông qua việc lồng ghép các chương trình đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm chung cho người lao động trên địa bàn tỉnh; kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho đối tượng này chưa có. Đặc biệt, hầu hết các tổ chức, cá nhân còn chậm trễ hoặc chưa chú trọng trong việc làm thủ tục cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài vào làm việc tại đơn vị mình hoặc đưa lao động vào làm việc rồi mới tiến hành làm các thủ tục cấp phép. Vẫn còn một số doanh nghiệp ký hợp đồng lao động trước khi được cấp giấy phép lao động.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả về lao động việc làm, Thanh Hóa có một số kiến nghị, đề xuất, trong đó các cơ quan hữu quan cần Luật hóa các quy định về việc làm bền vững; bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về việc làm cho các đối tượng như: lao động tự do, lao động khu vực phi chính thức, lao động khu vực phi kết cấu, lao động dịch chuyển... trong quá trình sửa đổi Bộ Luật lao động năm 2012 và Luật Việc làm. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về tư vấn, giới thiệu việc làm, dự báo và thông tin thị trường lao động. Ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp giữa hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm và Bảo hiểm xã hội. Tăng thêm nguồn vốn từ quỹ Quốc gia về việc làm cho những tỉnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, dân số đông, nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài để tạo thêm cơ hội cho người lao động có việc làm mới, thu nhập ổn định.
NHB
 
Từ khóa: