Thời sự
Công ty 'Giả vờ làm việc' kiếm đậm nhờ giúp người thất nghiệp ngụy trang
04:23 PM 04/01/2025
(LĐXH) - Loại hình Công ty "Giả vờ đi làm" này được thiết kế riêng cho những người thất nghiệp nhưng không muốn ai hỏi han, tạo sức ép.

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, một dịch vụ mới lạ đang thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc, đó là dịch vụ của "Công ty trách nhiệm hữu hạn Giả vờ đi làm". Với mức phí 29.9 nhân dân tệ (khoảng gần 80.000 đồng) mỗi ngày, những người thất nghiệp có thể trải nghiệm cảm giác "được đi làm" trong một môi trường văn phòng được thiết kế mô phỏng thực tế.

Ý tưởng độc đáo này xuất phát từ thực tế nhiều người trẻ, đặc biệt là những người mới tốt nghiệp hoặc bị mất việc, gặp áp lực lớn từ gia đình và xã hội khi đột ngột thất nghiệp. Thay vì đối mặt với những câu hỏi thăm dò đầy lo lắng, một số người chọn cách ẩn mình tại các quán cà phê hoặc thư viện. Tuy nhiên, "Công ty trách nhiệm hữu hạn Giả vờ đi làm" mang đến một giải pháp khác, một không gian làm việc thực sự, dù chỉ là để "sống ảo", ngụy trang rằng vẫn đi làm, cuộc sống vẫn ổn.

Ảnh minh họa (Pixabay)

Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, văn phòng của công ty này được trang bị đầy đủ bàn ghế, máy tính và các thiết bị văn phòng cần thiết. "Nhân viên" chỉ cần đến "làm việc" từ 10h sáng đến 5h chiều, không cần chấm công và được cung cấp bữa trưa. Thậm chí, ông chủ công ty còn hứa hẹn sẽ tạo ra một môi trường làm việc chân thực với những màn "sếp đi tuần tra" và cơ hội "bùng việc" một cách thoải mái.

"Tôi sẽ thường xuyên đi tuần tra để bạn có cảm giác thoải mái khi làm việc riêng. Tôi sẽ giao việc cho bạn, bạn có thể từ chối tôi với bất kỳ lý do gì và vứt thẳng bản kế hoạch lên bàn làm việc của tôi, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực", vị giám đốc điều hành dịch vụ này chia sẻ.

Sự xuất hiện của "Công ty trách nhiệm hữu hạn Giả vờ đi làm" đã nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội Weibo với hashtag "#Trả tiền để đi làm cuối cùng cũng xuất hiện rồi" leo lên vị trí top tìm kiếm. Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú trước ý tưởng này.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến hoài nghi về tính bền vững và hiệu quả thực sự của dịch vụ này và đặt câu hỏi về giải pháp tài chính lâu dài cho người thất nghiệp.

Mặc dù nghe có vẻ hài hước nhưng dịch vụ này phản ánh một vấn đề xã hội nghiêm trọng tại Trung Quốc. Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm và dòng vốn nước ngoài rút đi, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng. Việc che giấu tình trạng thất nghiệp trở thành một lựa chọn của nhiều người để tránh những rắc rối và áp lực từ gia đình.

Hiện tại, công ty này đang tuyển dụng thêm 15 "nhân viên". Liệu đây có phải là một giải pháp tạm thời hữu ích hay chỉ là một hiện tượng nhất thời? Thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là câu chuyện về "Công ty trách nhiệm hữu hạn Giả vờ đi làm" đã mang đến một góc nhìn hài hước nhưng không kém phần sâu sắc về tình hình việc làm tại Trung Quốc hiện nay.


Lê Nguyên