Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ sinh kế đối với người cao tuổi
(LĐXH)-Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 4/2019 của Tổng cục Thống kê (GSO), cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm khoảng 11,86% dân số. Trong đó có trên 1.9 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm khoảng 16,5% tổng dân số NCT); có 5.83 triệu NCT nữ (chiếm tỷ lệ 50,7%) và 5,57 triệu NCT là man giới ( chiếm tỷ lệ 49.3%); Có 7,29 triệu NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64,4%) . Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao hơn tỷ lệ nghèo chung của cả nước (8,09% so với 4%) ; Tỷ lệ NCT tham gia hoạt động kinh tế khoảng 40-45%.
Phần lớn NCT nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. ỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%).
Số lượng NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng.
Hiện nay, khoảng 70% NCT Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; hơn 70% NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.
Có thể thấy, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp NCT tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu, bảo đảm thực hiện quyền sống độc lập cũng như các quyền khác của NCT.
Quan niệm về sinh kế cho biết, sinh kế hiểu một cách đơn giản là cách thức con người kết hợp các nguồn lực với hoạt động, tác động vào môi trường tự nhiên, môi trường sống để tạo ra của cải vật chất duy trình sự sinh tồn và phát triển;
Theo khái niệm sinh kế của DFID (1999) đưa ra thì: “Một sinh kế có thể được miêu tả như là sự tập hợp các nguồn vốn và khả năng con người có được kết hợp với những quyết định và hoạt động mà họ thực thi nhằm để kiếm sống cũng như để đạt được các mục tiêu và ước nguyện của họ”.
Có 5 loại nguồn vốn: Nguồn vốn con người; Nguồn vốn vật chất; Nguồn vốn tài chính; Nguồn vốn xã hội; Nguồn vốn tự nhiên
Theo khái niệm sinh kế nêu trên thì chúng ta thấy sinh kế bao gồm toàn bộ những hoạt động của con người để đạt được mục tiêu dựa trên những nguồn vốn sẵn có của con người như các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguồn vốn tài chính, nguồn vốn vật chất, nguồn vốn lao động con người, nguồn vốn xã hội...
Chambers và Gordon (1992) đã đưa ra khái niệm về sinh kế bền vững đó là: “Một sinh kế bền vững có thể đối phó với những rủi ro và những cú sốc duy trì và tăng cường khả năng, tài sản của người dân đồng thời cung cấp các cơ hội sinh kế ổn định cho thế hệ sau góp phần tạo ra lợi ích cho cộng đồng địa phương trong khoảng thời gian ngắn hạn và dài hạn.
Chính sách sinh kế đối với NCT được thể hiện trong các văn bản pháp lý quốc tế về NCT và trong pháp luật của nước ta về NCT.
Khung khổ pháp lý trong nước: Hiến pháp 2013; Bộ Luật lao động năm 2019; Luật Người cao tuổi 2009 đều có các quy định liên quan đến chính sách sinh kế của NCT như: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. (Điều 33, 35, Hiến pháp). Bộ Luật lao động có các quy định về lao động là NCT, sử dụng lao động là NCT (điều 148 & 149); Luật người cao tuổi có các quy định về phát huy vai trò của NCT, trong đó có vấn đề sinh kế (Điều 3 & Điều 23).
Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020 cũng có hợp phần quan trọng về phát huy vai trò người cao tuổi, trong đó có mục tiêu: 50% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất.
Đặc biệt, Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020 cũng có nội dung liên qua đến chính sách sinh kế.
Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau – điểm tựa về hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi
Lạng Sơn là một trong những địa phương được đánh giá tích cực trong triển khai hoạt động hỗ trợ sinh kế cho NCT thông qua mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020. Ban công tác NCT tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, ban hành Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 05/11/2016 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Lạng Sơn. Các chỉ tiêu của tỉnh đề ra là: Giai đoạn 2016 - 2017: xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 10 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở ít nhất 03 huyện, thành phố (có ít nhất 150 thành viên, trong đó có 100 NCT tham gia). Giai đoạn 2018 - 2020: xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 20 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở ít nhất 08 huyện, thành phố (có ít nhất 300 thành viên, trong đó có 200 NCT tham gia). Các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bảo đảm chất lượng, chỉ tiêu theo quy định như: 70% là NCT (từ 55 tuổi trở lên), 60 - 70% là phụ nữ, 60 - 70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; có ít nhất 50% thành viên được vay vốn bằng tiền hoặc hiện vật và cải thiện thu nhập; 80% Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được tập huấn và giám sát theo quy chế.
Theo đó, năm 2017, tỉnh Lạng Sơn mới triển khai thực hiện Đề án. Trong bối cảnh tỉnh chưa có kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau song với sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó, qua 3 năm triển khai thực hiện chủ trương xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả rất thiết thực.
Trên địa bàn các huyện, thành phố, qua 03 năm (từ năm 2017 - 9/2020) triển khai đã xây dựng được 18 Câu lạc bộ, với 898 thành viên tham gia, trong đó có 605 NCT, số thành viên tham gia Ban chủ nhiệm có 90 người.
Về nguồn lực vốn ban đầu các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoàn toàn tự lực, vận dụng huy động vốn bằng nhiều cách như: vận động các thành viên có điều kiện (trừ thành viên nghèo) đóng góp từ 50.000 - 200.000 đồng; có CLB góp vốn xoay vòng hàng tháng ưu tiên cho thành viên nghèo; khó khăn nhận trước. Các thành viên được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích dùng vào chăn nuôi, sản xuất, làm kinh tế gia đình. Ngân sách tỉnh hỗ trợ trang thiết bị hoạt động sinh hoạt của Câu lạc bộ: cân sức khoẻ, máy đo huyết áp, máy tính, máy in, ổ lưu điện, loa đài, ghế INOC phục vụ cho sinh hoạt Câu lạc bộ.
Ông Nông Ngọc Tăng, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 13.839 NCT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó: NCT thuộc hộ gia đình nghèo không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng 228 người; NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng 8.405 người; NCT khuyết tật nặng, đặc biệt nặng 2.239 người; NCT đang hưởng trợ cấp người có công 2.967 người. Chế độ trợ cấp hàng tháng được thực hiện theo đúng quy định, kịp thời, đầy đủ, đến tận tay đối tượng thụ hưởng. Hoạt động của các CLB tập trung vào nhiều nội dung như: chăm sóc sức khoẻ, thăm hỏi, động viên thành viên khi ốm đau, xây dựng quỹ để thành viên vay vốn phát triển kinh tế… Để hiệu quả, mỗi CLB chia thành 3 – 4 nhóm để thuận tiện trong quản lý thành viên và triển khai các nội dung. Việc xây dựng và huy động nguồn quỹ cho vay cũng linh hoạt theo từng cơ sở…
Chẳng hạn, tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn, các thành viên tận dụng khu đất trống tập trung để tăng gia sản xuất; tại xã Bình Phúc, huyện Văn Quan, các thành viên trồng rau cải soong ven suối đem bán. Tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, có thành viên đã cho 3 gia đình khó khăn vay vốn với tổng số tiền trên 20 triệu đồng để phát triển sản xuất… Bên cạnh đó, các CLB được cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân ủng hộ cho nguồn quỹ. Qua đó, hỗ trợ các thành viên vay vốn phát triển kinh tế.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2020 đến nay, các CLB có 23 thành viên được vay vốn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế. Ngoài ra, các thành viên CLB Liên thế hệ còn giúp nhau ngày công để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao cuộc sống như: thu hoạch mùa màng, san nền nhà, đổ sân bê tông… Các CLB còn thành lập đội văn nghệ phục vụ trong các buổi sinh hoạt định kỳ, tham gia biểu diễn tại địa phương và giao lưu với các CLB khác trên địa bàn, tạo không khí vui vẻ, yêu đời cho các thành viên, đặc biệt là NCT. Từ năm 2018 đến nay, các CLB đã tổ chức được trên 100 cuộc sinh hoạt, giao lưu và biểu diễn văn nghệ.
Về công tác chăm sóc sức khỏe, các CLB được trang bị cân sức khỏe, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết (từ nguồn ngân sách của tỉnh). Từ năm 2019 đến nay, có trên 600 lượt NCT được kiểm tra sức khỏe thông qua các thiết bị này.
Có thể nói, mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn thời gian qua không chỉ là sân chơi giúp NCT “sống vui, sống khỏe, sống có ích” mà còn hỗ trợ sinh kế đắc lực và giúp các thành viên phát huy vai trò trong tham gia phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT trên địa bàn tỉnh./.
Minh Hằng
Từ khóa:
-
Công tác xã hội kết nối, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Yên Bái
05-11-2024 14:01 50
-
Yên Bái hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ em
04-11-2024 15:34 16
-
TP.HCM: Một ngày phát triển thêm 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
03-11-2024 11:50 18
-
Hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Định Hoá
31-10-2024 13:24 23
-
Quảng Ninh: Tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
31-10-2024 13:23 57
-
Khánh Hoà: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
31-10-2024 11:24 10