Đà Nẵng chăm sóc trẻ em trong các cơ sở trợ giúp xã hội
(LĐXH)- Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 09 cơ sở trợ giúp xã hội có nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (01 cơ sở công lập, 08 cơ sở ngoài công lập); ngoài ra, thành phố còn có cơ sở tôn giáo có nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, tổng số trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc tại 09 cơ sở trợ giúp xã hội là 347 em, bao gồm: 26 trẻ em dưới 04 tuổi, 321 trẻ em từ 04 đến dưới 16 tuổi; tại 01 cơ sở tôn giáo có nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 76 em (66 trẻ bỏ rơi, 10 trẻ do gia đình gửi vào).
Trong 09 cơ sở trợ giúp xã hội có 01 cơ sở công lập thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; 01 cơ sở ngoài công lập thuộc Làng Trẻ em SOS Việt Nam; 06 cơ sở ngoài công lập thuộc các tổ chức xã hội (Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em, Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội Bảo trợ phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi); 01 cơ sở ngoài công lập không có cơ quan quản lý cấp trên, do UBND thành phố thành lập. Riêng cơ sở tôn giáo có nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là Chùa Quang Châu đóng tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, do Ban Tôn giáo thành phố quản lý.
Tổ chức vui Tết Trung thu cho trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng
Cụ thể, về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và dinh dưỡng, các cơ sở đảm bảo cơ bản cho trẻ ăn mỗi ngày 03 bữa với mức tiền ăn hàng tháng theo quy định; chú trọng khẩu phần ăn phù hợp với các lứa tuổi và đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng cho sự phát triển của trẻ; thực hiện chế độ dinh dưỡng dành riêng cho trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật và trẻ bị suy dinh dưỡng.
Các cơ sở đều có các trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết; thực hiện tốt công tác kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ và được lập hồ sơ theo dõi tình trạng bệnh, thể trạng của từng em để lập kế hoạch y tế cụ thể hàng tháng, qua đó chú trọng tăng sức đề kháng cho trẻ và phòng bệnh, phòng dịch theo mùa…
Đối với công tác bảo vệ trẻ em, các cơ sở thường xuyên tăng cường các hoạt động tư vấn, tuyên truyền về kỹ năng sống, kiến thức kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức cho các nhân viên, bảo mẫu của cơ sở tham gia các khóa tập huấn về bảo vệ trẻ em do các cấp, các ngành tổ chức. Đồng thời, thực hiện việc ký cam kết về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; xây dựng nội quy, quy định đối với tổ chức, cá nhân đến thăm, giao lưu và tặng quà cho trẻ tại các cơ sở.
Về học tập, vui chơi, giải trí, tất cả trẻ em tại các cơ sở ở trong độ tuổi đi học (có khả năng học tập) đều được đi học văn hóa đầy đủ tại các trường trên địa bàn. Những em trong độ tuổi học nghề, nếu có nhu cầu học nghề đều được cơ sở tạo điều kiện hỗ trợ học nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu và theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cơ sở còn bảo đảm cung cấp đầy đủ đồ dụng học tập và bố trí nơi học tập phù hợp; một số cơ sở trang bị thêm tủ sách, phòng đọc sách cho trẻ. Ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế, một số cơ sở còn tổ chức hoặc phối hợp với các hội, đoàn thể, địa phương tổ chức, tham gia các hoạt động tham quan dã ngoại, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho trẻ em phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe của trẻ, giúp các em có cơ hội hòa nhập.
Đến nay, các cơ sở đều cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng trẻ em. Bố trí phòng sinh hoạt, phòng ăn, phòng ở, phòng học tập cho trẻ, có khu dành riêng cho trẻ em nam và trẻ em nữ; có phòng y tế dành cho đối tượng và bố trí các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở. Phòng ở đều được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của trẻ em.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn vận động, tài trợ đều được các cơ sở mở sổ tiếp nhận và theo dõi các khoản viện trợ, hỗ trợ. Đối với khoản hỗ trợ có yếu tố nước ngoài, các cơ sở thực hiện xác nhận viện trợ, ghi thu ghi chi ngân sách theo quy định. Ngoài ra, hàng năm các cơ sở được đơn vị chủ quản tiến hành kiểm tra quyết toán tài chính theo quy định hoặc định kỳ đối chiếu thanh quyết toán với nhà tài trợ; riêng Làng Trẻ em SOS Đà Nẵng còn được kiểm toán theo quy định của SOS Việt Nam.
Còn tại Chùa Quang Châu, tính đến ngày 15/01/2022, tổng số trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Chùa là 76 em (66 trẻ bỏ rơi, 10 trẻ do gia đình gửi vào). Các em được ăn chay 03 bữa/ngày, ngoài ra tùy theo từng độ tuổi của trẻ, Chùa có bổ sung thêm sữa bột nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Hiện nay, các trẻ đang nuôi dưỡng tại Chùa đều được đi học theo đúng độ tuổi (đối với các trẻ có khả năng học tập), cụ thể gồm: 04 trẻ học THCS, 61 trẻ tiểu học, 03 trẻ khuyết tật và 08 trẻ nhỏ có bảo mẫu chăm sóc. Nhà Chùa cung cấp đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập đảm bảo đáp ứng việc học của trẻ...
Có thể thấy, nhiều năm qua, các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thực hiện khá tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, góp phần cùng với thành phố chăm sóc các đối tượng yếu thế, bất hạnh. Đồng thời, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em tại các cơ sở, góp phần ổn định cuộc sống và tạo điều kiện để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hòa nhập cộng đồng.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
28-12-2024 23:33 52
-
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
13-12-2024 18:08 47
-
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện
28-12-2024 16:14 37
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
27-12-2024 08:20 45
-
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
26-12-2024 22:50 46