Xã hội
Đà Nẵng huy động gần 2.000 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo
10:05 AM 09/11/2020
(LĐXH) - Điểm nổi bật của công tác giảm nghèo thời gian qua ở Đà Nẵng là từ thành phố đến cơ sở đều thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng địa bàn; định kỳ lãnh đạo địa phương tổ chức gặp mặt đối thoại trực tiếp với hộ nghèo để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp giảm nghèo phù hợp cho từng hộ.
Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố đã hỗ trợ hiệu quả nhiều mô hình giảm nghèo trên địa bàn
Đặc biệt, các chính sách trợ giúp hộ nghèo bước đầu đã được chuyển đổi từ hình thức cho không, sang hình thức hỗ trợ có điều kiện gắn với sự nỗ lực vươn lên của từng hộ như: cho vay không lãi suất, hỗ trợ tư liệu, phương tiện sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi… tạo sự chủ động vươn lên thoát nghèo; đồng thời tập trung dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề theo phương thức cầm tay chỉ việc, dạy nghề kết hợp với hỗ trợ phương tiện làm ăn.
Trong 5 năm qua, Đà Nẵng huy động gần 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà; lắp đặt điện, nước, công trình vệ sinh; mua BHYT; miễn giảm học phí cho học sinh hộ nghèo… Đặc biệt, thành phố ưu tiên bố trí chung cư cho 638 hộ nghèo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu “Có nhà ở” và tạo điều kiện cho hộ nghèo của thành phố được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, với việc tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hộ nghèo, người nghèo có điều kiện tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo, Đà Nẵng cũng đẩy mạnh mô hình “Cho vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp”.
Đây là mô hình được các hội, đoàn thể như: Hội LHPN, Hội Nông dân, Cựu Chiến binh... triển khai thực hiện khá hiệu quả thông qua các hình thức như “Tổ góp vốn xoay vòng”, “3 trong 1”, “5 trong 1”, “Giúp nhau lập nghiệp”, đã thu hút đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo tích cực tham gia để sửa chữa nhà, công trình vệ sinh, hay buôn bán, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo ở Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, nhất là chưa có các giải pháp đột phá thực hiện chương trình giảm nghèo và kế hoạch cụ thể đối với từng hộ. Theo đó, năm 2019 là năm đầu tiên triển khai chuẩn nghèo mới (nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), nên số hộ thoát nghèo nhanh chưa thực sự bền vững; quy trình rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ thoát nghèo chưa bảo đảm theo quy định; giải quyết chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng đối với hộ nghèo triển khai còn chậm.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt kết quả chưa cao; số lượng lớn hộ nghèo bức xúc về nhà ở có nhu cầu thuê nhà ở xã hội nhưng thành phố tạm dừng nhận đơn do hạn chế về quỹ nhà chung cư…
“Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm nâng cao mức sống, điều kiện và chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, với mục tiêu hằng năm giảm hộ nghèo tiếp cận đa chiều từ 1,0-1,5%/năm. Đồng thời, thành phố tổ chức khảo sát thực trạng đời sống, đối thoại với hộ nghèo còn sức lao động chuẩn Trung ương và hộ nghèo còn sức lao động thuộc diện chính sách người có công để xây dụng kế hoạch giúp đỡ phù hợp đối với từng hộ, hỗ trợ họ thoát nghèo trong năm 2020”, đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định.
NHB
 
Từ khóa: