Xã hội
Đắk Lắk: Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới
03:59 PM 24/05/2019
(LĐXH) – Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk còn luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN), xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Trao tặng Bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích về công tác Bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ tại địa phương

Để Luật BĐG đi vào cuộc sống và trở thành chương trình hành động cụ thể, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quán triệt, phổ biến giáo dục về BĐG, Công ước Quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Nghị quyết 57/NQ-CP, ngày 01/12/2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các đơn vị tổ chức triển khai các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách cho phụ nữ, cũng như triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BĐG đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị, đồng thời lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác BĐG, VSTBCPN cũng như của người dân về các nội dung liên quan đến BĐG, VSTBCPN, trong thời gian qua các sở, ngành, UBND các cấp đã tổ chức tập huấn 69 lớp cho 10.350 người tham dự; đồng thời thực hiện lồng ghép 389 lớp vào các chương trình khác, với sự tham dự của 45.723 lượt người về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG... Bên cạnh đó, thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các cuộc thi, các sở, ban, ngành, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức được 15.563 buổi với sự tham dự của 300.000 lượt người.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể đã chú trọng việc xây dựng và triển khai hoạt động có hiệu quả nhiều mô hình, câu lạc bộ, nhằm tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện việc nhân rộng các mô hình hay đến các địa phương khác trong tỉnh. Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam hơn nữ trong xã hội đã bước đầu được khắc phục.

Theo ông Nguyễn Duy Tuyết – Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và BĐG (sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Sau 10 năm triển khai thi hành Luật BĐG Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các lĩnh vực về BĐG cụ thể như: Toàn Đảng bộ tỉnh có 24.362 đảng viên nữ, chiếm 33,96%. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ giữ chức danh chủ chốt, đào tạo nguồn nói chung và cán bộ lãnh đạo nữ nói riêng luôn được quan tâm chỉ đạo, thực hiện thường xuyên với tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm 22,35%; tỷ lệ UBND cấp tỉnh có nữ cán bộ lãnh đạo đạt 100%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tỉnh chiếm 22,22%.

Bên cạnh việc hỗ trợ phụ nữ các kiến thức về BĐG, xây dựng gia đình hạnh phúc, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững như: tạo điều kiện cho 27.065 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn; giải quyết việc làm mới cho 143.244 lao động nữ; đào tạo nghề cho 57.965 lao động nữ; giảm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nữ khu vực nông thôn xuống còn 5%.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa thông tin, thể dục, thể thao… công tác BĐG cũng được triển khai hiệu quả và đạt nhiều kết quả khả quan như: toàn tỉnh xây dựng được 73/184 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng chống bạo lực gia đình; tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế đạt 96,8%; tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tại tỉnh từ 117 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ (2006) giảm xuống còn 110 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ (2016); toàn tỉnh có 231.790 học sinh nữ đến trường, đạt 48%; 124.370 phụ nữ ở độ tuổi dưới 40 được xóa mù chữ (chiếm 54,54%); tỷ lệ nữ biết chữ đạt 95,95%... 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thi hành Luật BĐG trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, công chức về công tác BĐG chưa chuyển biến rõ nét, chưa có sự quan tâm đúng mức về công tác BĐG; sự phối hợp của các sở, ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện công tác BĐG còn chậm, thiếu đồng bộ; khoảng cách giới vẫn còn khá lớn, bất BĐG giới vẫn còn tồn tại và phần lớn nghiêng về phụ nữ; việc tuyển chọn lao động nữ vào làm việc ở các doanh nghiệp vẫn còn phân biệt; việc tiếp cận với giáo dục của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…

Lê Việt

 

Từ khóa: