Lao động
Để thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
04:34 PM 31/05/2018
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, đem lại lợi ích cho các bên là người lao động, người sử dụng lao động, nhà nước, cơ sở dạy nghề và có sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Theo số liệu thống kê, hiện nay số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì tới năm 2015 (khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành) số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 10,3 triệu người, tăng 173% so với năm 2009. Năm 2017, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,7 triệu người với số thu là 13.517 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng qua từng năm do số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng. Tổng số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp đến hết năm 2017 khoảng  3,6 triệu người. Một số địa phương có số người hưởng trợ cấp thất nghiệp cao là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Long An,...
Tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng tăng theo từng năm do số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, nếu năm 2010 tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 457,11 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã tăng lên 4.883 tỷ đồng và năm 2017 là 7.831 tỷ đồng. Chi trợ cấp thất nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao so với chi hỗ trợ học nghề và chi đóng bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của các Trung tâm dịch vụ việc làm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ học nghề ngày càng có chuyển biến tích cực sau khi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg được ban hành, tính đến hết năm 2017 có khoảng 124 nghìn người được hỗ trợ học nghề. Những ngành nghề người lao động đăng ký học là tin học văn phòng, các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính, điện dân dụng, điện công nghiệp, thiết kế quảng cáo, lái xe,.. Một số địa phương có tỷ lệ người lao động nhận được việc làm theo nghề đã học/tổng số người được hỗ trợ học nghề lớn là: Vĩnh Phúc chiếm trên 90%, Đồng Nai chiếm 55%, Bình Dương chiếm 38,12%,…  số người được hỗ trợ học nghề tăng nhanh tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và dự kiến tỷ lệ số người được hỗ trợ học nghề sẽ còn tăng nhanh trong các năm tới đây.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương nhiệt tình hướng dẫn cho người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo đánh giá, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, đem lại lợi ích cho các bên là người lao động, người sử dụng lao động, nhà nước, cơ sở dạy nghề và có sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản hướng dẫn bảo hiểm thất nghiệp đã tương đối hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện. Công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các ngành lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, tài chính, nội vụ và các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động,... trong việc tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh.
Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”,  tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú và luôn tích cực cải tiến quy trình tư vấn nên số người được tư vấn và chất lượng tư vấn ngày càng được nâng cao. Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động ngày càng được nâng cao. Người lao động đã ý thức việc học tập, nâng cao trình độ để chuyển đổi nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với bản thân họ, tại nhiều địa phương, người lao động sẵn sang bỏ thêm nhiều chi phí học nghề, ăn ở, đi lại,… bù vào phần chênh lệch so với chi phí được hỗ trợ để hoàn thành hết khóa học nghề.
Những tồn tại và giải pháp cần khắc phục trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ người lao động sau khi bị thất nghiệp mà chưa có nhiều biện pháp chủ động để hỗ trợ người lao động nhằm duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.
Bên cạnh đó, một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp như: Tâm lý người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà không quan tâm đến các chế độ khác như: tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Một số người lao động còn chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc khai báo tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp còn khá lớn, tính đến năm 2017 số nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 242,827 tỷ đồng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, phần lớn người sử dụng lao động chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động
Công tác quản lý lao động ở nước ta cũng còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả và tính ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm thất nghiệp,…
- Tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp để nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
- Nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm đối với người lao động.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp như: thực hiện giao dịch điện tử trong tham gia và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp; chia sẻ dữ liệu thu – chi và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp;...
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời./.

Mỹ Hạnh

 

 

 

 

Từ khóa: