Đoàn công tác Tạp chí Lao động và Xã hội thăm và làm việc với Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Công ty Takara
(LĐXH)-Trong chuyến thăm và tìm hiểu về tình hình hợp tác cung ứng tu nghiệp sinh giữa Việt Nam và Nhật Bản, ngày 31/10/2018 tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), đoàn công tác Tạp chí Lao động và Xã hội do Tiến sỹ Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Công ty Takara.
Cùng dự buổi làm việc, về phía đoàn Việt Nam còn có các thành viên đoàn công tác là lãnh đạo các Sở Lao dộng -Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, gồm: đồng chí Lê Hoàng Điện - Giám đốc Sở Lao - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Lê Viết Trực - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, đồng chí Hoàng Đức Trọng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định, đồng chí Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Thông – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh. Về phía Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có đồng chí Phan Tiến Hoàng - Trưởng Ban và cán bộ Ban.
Tại buổi làm việc với Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trưởng Ban Quản lý Phan Tiến Hoàng đã thông tin với đoàn về tình hình lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản chủ yếu là thông qua Chương trình thực tập kỹ năng và đại sứ quán Việt Nam đang quản lý chủ yếu là số này, chiếm hơn 90%. Theo số liệu thống kê mới nhất, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật hiện nay là gần 150.000 người, trong đó thực tập sinh theo Chương trình thực tập kỹ năng chiếm phần lớn với 131.000 người, dẫn đầu 15 nước đưa thực tập sinh sang làm việc tại nước này, tiếp theo là Trung Quốc 77.000 người. Trong 5 năm gần đây, số thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật ngày càng tăng nhanh do nhu cầu tiếp nhận của Nhật khá lớn, chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, nhất là về trình độ tiếng Nhật và hình thức tổ chức kỷ luật, vì vậy số lượng được tiếp nhận vào Nhật Bản tăng rất nhanh. Trong thời gian tới, Nhật tiếp tục có nhu cầu cao đối với thực tập sinh Việt Nam, nhất là nghề hộ lý.
Tiếp đó, đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Công ty Takara. Đây là một công ty chuyên thi công, tư vấn thiết kế, kinh doanh, cung ứng thiết bị vệ sinh cấp thoát nước có uy tín cho các công trình xây dựng với bề dày kinh nghiệm hơn 93 năm hoạt động của Nhật Bản.
Chủ tịch Công ty Takara, ông Tatsuya Nishizaki bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp đoàn Việt Nam đến thăm và làm việc tại Nhật Bản.
“Chúng tôi luôn đánh giá cao các tu nghiệp sinh Việt Nam nói chung và các bạn sinh viên Đại học kiến trúc Đà Nẵng nói riêng và coi đây là một nguồn nhân lực chất lượng cao tiềm năng. Từ năm 2014, Tập đoàn Takara đã sang tìm hiểu và ký kết hợp tác hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho sinh viên một số khoa của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng có nhu cầu được làm việc tại tập đoàn và thỏa mãn các yêu cầu do tập đoàn đề ra. Hợp tác này đã mở ra cách làm mới trong việc cung ứng nhân lực là các sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng sang Nhật Bản làm việc tại Takara. Hơn thế nữa, đó còn là biểu hiện của giao lưu văn hóa Nhật-Việt...”- Chủ tịch Tatsuya Nishizaki bày tỏ.
Tại buổi làm việc, ông Tatsuya Nishizaki rất ấn tượng với đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là khu vực các tỉnh miền Trung.
“Từ sự hợp tác với Trường Đại học kiến trúc Đà Nẵng, chúng tôi đã duy trì các khóa đào tạo ngắn hạn giữa Công ty Takara và Đại học kiến trúc Đà Nẵng gọi là Takara Seminar-Ocean Seminar, lựa chọn các sinh viên ngành kiến trúc năm thứ 3 có thành tích học tập tốt được Takara chọn và tuyển dụng học tiếng Nhật cùng với truyền giảng các kiến thức xây dựng tiên tiến của Nhật Bản, sau đó các học viên tốt nghiệp (mỗi khóa có khoảng 15 em sinh viên) được sang Nhật Bản làm việc tại Takara...”- Chủ tịch Tatsuya Nishizaki nói.
Trong buổi làm việc, ông Tatsuya Nishizaki luôn nhấn mạnh đến yếu tố giao lưu văn hóa giữa xứ sở Mặt trời mọc và Việt Nam, với tư duy không chỉ truyền đạt về kiến thức hay kỹ thuật xây dựng tiên tiến của Nhật Bản, mong muốn là cầu nối giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam.
Với các bạn sinh viên Đại học kiến trúc Đà Nẵng, Chủ tịch Tatsuya Nishizaki nhắc đến phương châm làm việc của người Nhật: “Nếu chúng ta nỗ lực không ngừng nghỉ, nỗ lực vì ước mơ của chính mình, thì nhất định sẽ đạt được những thành quả mà chúng ta mong chờ, và có thể còn hơn thế nữa”.
Tại buổi làm việc, Tiến sỹ Trần Ngọc Diễn và các thành viên trong đoàn đều bày tỏ sự xúc động với những tình cảm và chia sẻ chân tình, thân thiện từ Chủ tịch Tatsuya Nishizaki dành cho đoàn.
“Nhật Bản và Việt Nam đang có chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2018). Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, lãnh đạo hai quốc gia đã quyết định nâng mối quan hệ hợp tác lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Và hợp tác cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao giữa Takara và Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng là biểu hiện sinh động của mối quan hệ vô cùng tốt đẹp giữa hai quốc gia”- Tiến sỹ Trần Ngọc Diễn phát biểu.
Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội nhắc lại thông tin, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á (ngày 06/6/2017) của đoàn lãnh đạo cấp cao Chính phủ Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đẫn đầu. Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản.
Đây cũng là bản thỏa thuận đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực cung ứng thực tập sinh. Đồng thời, Bản thỏa thuận trên cũng là văn bản pháp lý đầu tiên Chính phủ Nhật Bản ký với các nước cung ứng thực tập sinh tới Nhật Bản.
Bản ghi nhớ MOC có hiệu lực từ ngày 01/11/2017. Trong đó, MOC đã xác định mục tiêu của sự hợp tác nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật trong việc đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ lợi ích của hai nước.
Đáng chú ý, thời hạn thực tập của thực tập sinh Việt Nam được kéo dài lên 5 năm (trước đây là 3 năm); đồng thời mở rộng thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới.
“Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) tiếp tục thúc đẩy việc tăng số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản thực tập kỹ năng, đào tạo nhiều lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm, tác phong làm việc của Nhật. Qua đó thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, góp phần giải quyết và tạo việc làm cho người lao động trong nước...” - Tiến sỹ Trần Ngọc Diễn nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Lễ ký kết MOC.
Kết thúc buổi làm việc, TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội thay mặt đoàn bày tỏ niềm vinh dự và gửi lời cảm ơn chân thành tới Trưởng Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Phan Tiến Hoàng và ngài Chủ tịch Công ty Takara đã dành thời gian để tiếp đoàn và chia sẻ những thông tin, câu chuyện thú vị, qua đó giúp đoàn có thể hiểu rõ hơn tình hình lao động của Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản nói chung và Công ty Takara nói riêng. Đồng chí Tổng Biên tập cho biết, qua việc đến tận nơi công trình mà công ty đang thi công và được gặp gỡ, trò truyện với công nhân Việt Nam đang làm việc trực tiếp ở đó, đoàn công tác đã cảm nhận được những công nhân ở đây rất hài lòng, phấn khởi khi được làm việc và cống hiến một phần công sức hoàn thành các công trình trên đất nước Nhật Bản. Đặc biệt, người lao động đã chia sẻ họ được Công ty Takara rất quan tâm, đào tạo kỹ lưỡng, bài bản, được giao lưu văn hóa nên thái độ làm việc của họ rất thoải mái, vui vẻ và có kết quả tốt. Đồng chí Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cũng bày tỏ mong muốn công ty sẽ tiếp tục quan tâm tới lao động của của Việt Nam, đào tạo và trả công xứng đáng cho họ. Đặc biệt, chúc công ty sẽ ngày càng phát triển hơn và cộng đồng người lao động Việt Nam đang làm việc tại công ty sẽ là một cộng đồng tốt, tích cực, có uy tín để được phía bạn tin tưởng tuyển dụng nhiều hơn. “Chúng tôi hy vọng từ 30 kỹ sư và công nhân Việt Nam đang làm việc ở công ty của ngài sau này sẽ tăng lên vài trăm lao động...” - Tổng Biên tập Trần Ngọc Diễn vui vẻ chia sẻ./.
Thanh Phúc-Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48