Giáo dục - Nghề nghiệp
Đổi mới phương pháp dạy học trong kỷ nguyên số đối với lĩnh vực nghề nghiệp
11:27 AM 18/04/2018
(LĐXH) - Sáng 17/4/2018, tại TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức “Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học trong kỷ nguyên số đối với lĩnh vực nghề nghiệp”.


Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; TS. Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng đại diện lãnh đạo 100 trường Đại học, CĐ, trung cấp và đại diện các đơn vị doanh nghiệp cung cấp các giải pháp dạy và học số.

Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học trong kỷ nguyên số đối với lĩnh vực nghề nghiệp” lần này nhằm bày tỏ mô hình giảng dạy kết hợp và phương pháp dạy học hiệu quả trong kỷ nguyên số, hệ thống quản lý học tập số trong việc sử dụng công cụ tối ưu hóa phát triển tài liệu giảng dạy, khai thác tối đa hệ thống quản lý học tập số với công nghệ giáo dục 4.0 đang áp dụng tại các trường cao đẳng, đại học hàng đầu trên thế giới, công cụ quản lý hệ thống tích hợp với các tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, giải pháp về việc ứng dụng nền tảng công nghệ 3D để thiết kế chương trình đào tạo, mô hình lớp học ảo, lớp học kết hợp và ứng dụng Mobile Learning trong giáo dục nghề nghiệp. Hơn nữa, hội thảo còn nhằm trang bị cho người tham dự các kỹ năng và kiến thức về ứng dụng công nghệ số trong việc đổi mới giảng dạy và học tập.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết: “Giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Tư duy của chính chúng ta là tư duy hệ thống, bao cấp và chậm chuyển đổi theo nhu cầu và yêu cầu của thị trường. Chúng ta phải đổi mới trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế trong đó có nguồn lực về tài chính và đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực.

Vì vậy, trong thời gian tới giáo dục nghề nghiệp sẽ có những cơ hội lớn, trong đó, nhu cầu từ xã hội và thị trường nhiều trong khi cơ cấu nguồn nhân lực đang bất hợp lý. Cứ trung bình có 1 cử nhân kỹ sư nhưng chưa có được 1 người trình độ giáo dục nghề nghiệp bậc cao đẳng, trung cấp. Do đó, sắp tới nhu cầu về đào tạo thợ kỹ thuật, kỹ thuật viên ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp sẽ vô cùng lớn. Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế và những biến đổi công nghệ sẽ rút ngắn khoảng cách tụt hậu, lạc hậu.Cũng theo thứ trưởng, trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ triển khai 2 dự án lớn:  Một là, xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu tích hợp hệ thống trong toàn quốc để kết nối tất cả các trường nghề để toàn bộ thủ tục hành chính, công tác kiểm định chất lượng, quản lý văn bằng chứng chỉ… đều được thực hiện trực tuyến. 

Lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tặng hoa cho các đại biểu và chuyên gia

Hai là, phát triển thị trường đào tạo trực tuyến. Theo đó, cho phép phát triển thị trường đào tạo trực tuyến, cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực có thể cung cấp các chương trình, môn học, modun trực tuyến cho phép người học đang học tại các trường hoặc người dân trong xã hội có nhu cầu học tích lũy modun trực tuyến… Hình thành thị trường đào tạo trực tuyến trong đó nhiều đơn vị có giải pháp đào tạo trực tuyến cho đơn vị của mình và cung cấp cho cả thị trường giáo dục nghề nghiệp.

 

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Xây dựng một trung tâm tích hợp dữ liệu toàn ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành kết nối hệ thống gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó bộ cũng sẽ đẩy mạnh được kết nối cung ứng lao động theo nghề và theo khu vực và kết nối với cầu của thị trường lao động. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo.

Còn theo, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện Bộ LĐTB&XH đang chỉ đạo xây dựng 6 môn học chung cho các bậc cao đẳng và trung cấp. Chủ trương của bộ sẽ đưa 6 môn học này vào đào tạo trực tuyến; cho phép người học toàn quốc được học và thi các môn học này online. Bước tiếp theo, Bộ sẽ cho triển khai nhiều modun đào tạo online khác như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, kỹ năng, kiến thức nghề cơ bản... Với công nghệ mới, người học tại mọi nơi và mọi lúc có thể dễ dàng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp. 

Lê Việt

Từ khóa: