Xã hội
Đổi thay ở huyện vùng cao Đà Bắc
04:31 PM 07/11/2020
(LĐXH) – Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, người dân Đà Bắc (Hòa Bình) đã có điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Nguyễn Bình Nam, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đà Bắc, Hòa Bình cho hay, những thành công của tín dụng chính sách trên địa bàn Đà Bắc thời gian qua là nhờ sự chung sức, chung lòng, đồng tâm của cấp ủy, chính quyền cũng như sự chủ động và ủng hộ tích cực của người dân mà trực tiếp là các hộ dân vay vốn trong nỗ lực “xóa đói, giảm nghèo” bền vững. Đặc biệt phải kể đến tác động hiệu quả của Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách, nhiều hộ gia đình đã đầu tư nuôi trâu đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong lãnh đạo chỉ đạo nhằm góp phần phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, Ban thường vụ Huyện ủy Đà Bắc đã chỉ đạo tổ chức Đảng,Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, tổ chức Chính trị- xã hội tích cực triển khai. Trên cơ sở chỉ đạo đó, 100% cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH triển khai thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ chính trị được giao, chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Hàng năm, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, Hội đồng nhân dân, UBND huyện đã quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang để NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tính từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, UBND huyện đã chuyển sang NHCSXH huyện 1,150 triệu đồng. Cấp ủy, Chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ hoạt động giao dịch của NHCSXH tại 20/20 điểm giao dịch cố định tại UBND các xã, thị trấn.
Tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 351.447 triệu đồng, tăng 172.291 triệu đồng (tăng 96,17%) so với 31/12/2014 bình quân mỗi năm tăng 34.458 triệu đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2019 là 350.619 triệu đồng, tăng 171.841 triệu đồng (+96,11%) so với 31/12/2014. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW doanh số cho vay đạt 515 tỷ đồng, với 20.773 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh đã được vay vốn; trong đó 7.278 lượt hộ nghèo, 3.147 lượt hộ cận nghèo được vay vốn tạo điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp trên 10.425 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 415 lao động tạo được việc làm, trong đó có 33 lao  động đi xuất khẩu ở nước ngoài; hơn 252 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; đầu tư xây dựng 8.228 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn (nhà vệ sinh, hầm bioga...); trợ giúp 809 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ...được vay vốn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vươn lên thoát nghèo...
Chất lượng tín dụng được kiểm soát, duy trì trong giới hạn cho phép: Nợ quá hạn đến 30/6/2019 là 191 triệu đồng, giảm 405 triệu đồng so với năm 2014, chiếm tỷ lệ 0,05%. Nợ khoanh 2.201 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,6%, tăng 2.137 triệu đồng so với năm 2014; số xã không có nợ quá hạn đạt 13/20 (chiếm tỷ lệ 65%), công tác xử lý nợ rủi ro kịp thời cho các đối tượng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH giúp bà con nông dân huyện Đà Bắc yên tâm sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình
Ngoài nguồn vốn ngân sách địa phương, NHCSXH còn tập trung nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân, tính đến 30/6/2019 công tác huy động đạt 11.412 triệu đồng, tăng 9.695 triệu đồng (+564%) so với 31/12/2014, trong đó: nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là 4.373 triệu đồng với 243 Tổ TK&VV tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm, đạt 100% trên tổng số Tổ TK&VV của toàn huyện. Việc triển khai huy động tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV có tác dụng tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tạo thói quen thường xuyên thực hành tiết kiệm, nhằm tích góp, tạo nguồn hỗ trợ cho việc trả nợ NHCSXH, tạo lập vốn tự có, đồng thời góp phần bổ sung nguồn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Có thể nói, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả vốn tín dụng chính sách, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của NHCSXH một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí khi vay vốn; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác và sử dụng vốn có hiệu quả, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập; cải thiện, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu./.
Minh Phương
Từ khóa: