Cảnh sát PCCC xử lý vụ cháy công ty TNHH Shingmark Vina
Thiệt hại lớn từ các vụ cháy gỗ
Theo thống kê của Cảnh sát PCCC tỉnh từ tháng 12-2017 đến tháng 5-2018, toàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 5 vụ cháy tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ gây ra nhiều hệ lụy nặng nề. Qua điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân của 3/5 vụ cháy (2 vụ đang tiếp tục điều tra) cho thấy, không thiệt hại về người nhưng thiệt hại về vật chất trên 44,9 tỷ đồng. Khu vực cháy không chỉ xảy ở những xưởng sản xuất hoặc những cơ sở nhỏ mà xảy ra ở hầu hết các địa bàn, thậm chí ở cả doanh nghiệp lớn. Trong đó, vụ cháy lớn nhất phải kể đến xảy ra tại công ty TNHH Shingmark Vina (KCN Bàu Xéo, Trảng Bom) vào lúc 22 giờ 53 phút đêm 15-1-2018 gây thiệt hại hơn 42,3 tỷ đồng. Vụ cháy này, Cảnh sát PCCC đã phải huy động 11 xe chữa cháy của ngành và các đơn vị phối hợp với hơn 100 cán bộ PCCC chuyên nghiệp cùng lực lượng cơ sở ra sức khống chế, dập lửa tới tận 3 giờ sáng ngày 16-1 mới dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Một số cơ sở sản xuất, chế biến gỗ tại TP. Biên Hòa cũng chưa coi trọng công tác đảm bảo an toàn PCCC nên đã bị “bà hỏa” viếng thăm, gây thiệt hại thiêu rụi hàng ngàn mét vuông nhà, xưởng. Có thể kể đến như Doanh nghiệp tư nhân Bentree Vina (phường Tân Biên); công ty TNHH sản xuất và thương mại Ván Việt (phường An Bình); công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (KCN Tam Phước)….
Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết: Chỉ tính từ tháng 12-2017 đến hết quý 1-2018, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy gây thiệt hại trên 60 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại từ các vụ cháy về gỗ chiếm 44,9 tỷ đồng (riêng Shingmark Vina chiếm 42,3 tỷ đồng). “Ngành sản xuất, chế biến gỗ có rất nhiều nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn và khi xảy ra cháy thường cháy lan, cháy lớn, gây không ít khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH”, Đại tá Nhân nói.
Cũng theo Đại tá Lê Quang Nhân, Đồng Nai là tỉnh đứng nhất, nhì cả nước về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Có những doanh nghiệp rộng hàng ngàn ha như Shingmark Vina (KCN Bàu Xéo); Lee Fu (KCN Tam Phước); Great Veca (Bắc Sơn- Trảng Bom)… Ngoài ra, trên địa bàn có số lượng rất lớn các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, các làng nghề chuyên về gỗ đan xen ở địa bàn các khu dân cư nên nguy cơ về cháy, nổ rất cao. Mặt khác, đối với ngành sản xuất, chế biến gỗ thì ở tất cả mọi công đoạn, nguy cơ cháy đều có thể xảy ra, nhất là trong công đoạn sơn, sấy, bảo quản.
Nâng nhận thức về phòng ngừa cháy nổ
Qua khảo sát và theo các đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, thực tế cho thấy, ý thức chấp hành các quy định về PCCC của người đứng đầu cơ sở và người lao động tại doanh nghiệp rất hạn chế. Các cơ sở chế biến gỗ còn tùy tiện bố trí hàng hóa, vật liệu, hóa chất; tùy tiện trong sử dụng nguồn lửa, nhiệt; chưa quan tâm đến thiết kế nhà xưởng, cơ sở gia công, chưa chú ý các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC; phương tiện PCCC của các cơ sở chế biến gỗ hiện còn rất thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu…
Thực tế tại nhà xưởng Công ty TNHH sản xuất thương mại, dịch vụ Kiến Phúc (Trảng Bom), trang bị, phương tiện cho công tác PCCC còn thiếu về số lượng, kém về chất lượng; trong các kho hàng hóa xếp đầy, chắn lối đi, che chắn vị trí công tắc điện và nơi đặt bình chữa cháy. Giải thích vấn đề này, Giám đốc công ty Trần Văn Thành cho hay, do xưởng đã sử dụng lâu nên các thiết bị PCCC đã xuống cấp, nhờ cơ quan PCCC chỉ ra để thời gian tới công ty sẽ khắc phục sửa chữa.
Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Cảnh sát PCCC số 4, Lê Văn Duẩn nhìn nhận, hiện trên địa bàn Trảng Bom có 83 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ thuộc diện quản lý về PCCC. Các cơ sở này chủ yếu tập trung tại các xã Hố Nai 3, Bắc Sơn, Bình Minh, Giang Điền. Qua kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở, nhiều doanh nghiệp, công ty thực hiện khá tốt, chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC. Tuy nhiên vẫn còn những cơ sở chế biến gỗ, nhất là trong các làng nghề chưa đảm bảo công tác an toàn PCCC, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Cùng đó là một số những cơ sở nhỏ, sản xuất chế biến gỗ tại gia đình chưa đăng ký ngành nghề kinh doanh, không trang bị phương tiện PCCC nên còn khó khăn cho công tác quản lý…
Theo Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC, đối với những cơ sở nhỏ lẻ, khu dân cư làng nghề chế biến gỗ tự phát (thống kê của Cảnh sát PCCC khoảng 350 cơ sở trong toàn tỉnh), Cảnh sát PCCC đã kiểm tra, nhắc nhở, lập báo cáo gửi về tỉnh và giao cho các địa phương phối hợp quản lý; về lâu dài đối với các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ tự phát có thể đưa vào các cụm, khu công nghiệp tập trung và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục có những biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế thiệt hại và hậu quả đáng tiếc do cháy xảy ra.
Đại tá Lê Quang Nhân cho biết, các vụ cháy xảy ra trong sản xuất, chế biến gỗ có rất nhiều nguyên nhân: Cưa xẻ gỗ; trộn, đảo mùn cưa làm nên các sản phẩm gỗ nhân tạo; sấy, bảo quản gỗ; đặc biệt công đoạn nguy hiểm nhất trong chế biến gỗ là sơn (kể cả sơn tự động và sơn cơ) vì trong sơn thường có chất xăng thơm- chất cháy nổ cao nhất trong xăng. Công đoạn sơn chiếm trên 50% nguyên nhân của các vụ cháy gỗ xảy ra thời gian qua.
Nguyệt Trinh
-
Huyện Đồng Hỷ: Quan tâm giải quyết việc làm bền vững cho người lao động
26-11-2024 14:41 12
-
Thái Nguyên: Phát triển thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm việc làm
26-11-2024 14:41 07
-
Huyện Phú Lương: Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo
26-11-2024 14:41 03
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51