Xã hội
Đồng Nai: Tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo thoát nghèo bền vững
07:47 AM 06/11/2020
(LĐXH) - Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của tỉnh Đồng Nai đã đạt những kết quả tích cực, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,76% năm 2016 xuống khoảng 0,04% vào cuối năm 2020.

Mô hình tổ hợp tác trồng rau an toàn tại xã Gia Canh đã hỗ trợ hàng chục lượt hộ thoát nghèo bền vững

Đóng góp vào những thành quả chung, nhiều mô hình giảm nghèo đã tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo, vùng nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

*Những mô hình hiệu quả

Mô hình “Vay vốn không lãi xuất trồng rau sạch” cũng được nhiều địa phương của H.Định Quán triển khai có hiệu quả. Với mục đích hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo mô hình đã hỗ trợ hình thành nhiều tổ hợp tác trồng rau sạch ở các địa phương như xã Gia Canh, xã Suối Nho.

Trong đó, tổ hợp tác rau an toàn Phú Gia, ấp 1, xã Gia Canh hiện đang thu hút 34 hộ dân cùng thực hiện trồng rau an toàn cung cấp thị trường trên địa bàn huyện. Theo ông Nguyễn Xuân An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Canh, mô hình này không chỉ giúp các hộ dân khó khăn thoát nghèo mà còn tạo công việc có thu nhập ổn định cho hơn 40 lao động tại chỗ của địa phương…

Sau gần 3 năm thực hiện mô hình “Hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho hộ nghèo” của H.Định Quán đã giúp đỡ hàng trăm hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Mô hình đã tổ chức 5 đợt trao vốn với giá trị trên 5,8 tỷ đồng, giúp vốn cho 391 hộ nghèo, cận nghèo, đoàn viên, hội viên thanh niên nòng cốt phát triển sản xuất.

Được hỗ trợ trên 10 triệu đồng vốn vay ban đầu không lãi suất để mua 5 con dê giống, đến nay gia đình bà Trần Thị Kim Hương, ấp 6, xã Phú Tân, H.Định Quán đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi dê hiệu quả. Đàn dê của gia đình bà hiện có gần 30 con. Quá trình chăn nuôi đảm bảo tốt vệ sinh chuồng trại, tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng nên sinh sản phát triển tốt, giúp gia đình bà thoát nghèo, vươn lên trở thành một hộ điển hình về nuôi dê hiệu quả của H.Định Quán.

Chia sẻ về sự hỗ trợ này, bà Hương cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay không lãi đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo. Quá trình sử dụng đồng vốn mua dê giống chăn nuôi chúng tôi được địa phương hỗ trợ kỹ thuật, thăm hỏi và hướng dẫn để nguồn vốn được đầu tư đúng hướng, giúp chúng tôi thoát nghèo, ổn định cuộc sống”…

Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản” của H.Xuân Lộc là một điển hình giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Mục tiêu của dự án là “cầm tay chỉ việc để người nghèo áp dụng làm theo, vươn lên thoát nghèo”. Kết quả của dự án đến nay đã hỗ trợ nhiều người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, hạ tỷ lệ hộ nghèo của H.Xuân Lộc xuống dưới 1% vào cuối năm 2019…

Gia đình ông Phạm Trung Kiệt, xã Xuân Thành là một điển hình hiệu quả trong thực hiện mô hình. Từ một hộ khó khăn nhờ được vay vốn nuôi bò đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá. Đàn bò của gia đình ông hiện có 15 con bò mẹ giống cùng đàn bê con đã tạo công việc ổn định, cho thu nhập khá và hoàn trả vốn vay.

Theo ban chỉ đạo giảm nghèo H.Xuân Lộc, đến nay 96 hộ tham gia dự án đều làm ăn hiệu quả, thoát nghèo và vươn lên xây dựng cuộc sống khá. Trong đó, hộ ông Phạm Trung Kiệt cùng nhiều gia đình khác trở thành điển hình về vươn lên thoát nghèo bền vững...

Mô hình nuôi dê hiệu quả của gia đình bà Kim Hương ở xã Phú Tân, H.Định Quán

Tạo điều kiện giúp hộ nghèo thoát nghèo

Ông Hoàng Vĩnh Quang, phụ trách bộ phận giảm nghèo thuộc Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh cho hay, để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã bố trí đầy đủ nguồn lực để triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ, dự án chương trình giảm nghèo.

Cùng đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa giảm nghèo, huy động nguồn lực từ cộng đồng, mạnh thường quân và lồng ghép các chương trình giảm nghèo đã tạo thuận lợi và những điều kiện tốt nhất giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác huy động thực hiện giảm nghèo bền vững đã huy động trên 688,3 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo.

“Ngoài các chính sách giảm nghèo chung theo quy định của Trung ương, tỉnh Đồng Nai còn ban hành thêm một số chính sách riêng để hỗ trợ người nghèo, cận nghèo như chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Đồng Nai cao hơn 1,7 lần so mức chung cả nước; hỗ trợ tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, dự án đa dạng sinh kế…cho hộ mới thoát nghèo trong vòng 2 năm đầu; hỗ trợ 300 ngàn đồng/người/tháng cho đối tượng hộ nghèo không có thành viên có khả năng lao động nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo trợ xã hội; hỗ trợ mai táng phí 6 triệu đồng/đối tượng…”, ông Hoàng Vĩnh Quang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng Vĩnh Quang, Ban chỉ đạo giảm nghèo còn tham mưu cho tỉnh có chính sách hỗ trợ trên 25 tỷ đồng điện sinh hoạt cho hơn 44 ngàn lượt hộ nghèo giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, có gần 6 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ thiết bị lọc nước nhỏ lẻ hộ gia đình với số tiền trên 20,6 tỷ đồng…qua đó, giúp cho hộ nghèo khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, hằng năm UBND tỉnh đều bố trí kinh phí để hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết nguyên đán như năm 2020, bình quân mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 800 ngàn đồng và 600 ngàn đồng/hộ cận nghèo. Trên cơ sở những chính sách chung của tỉnh, nhiều sở, ngành, địa phương đã kịp thời xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo và thực hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo như phân công cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo…

Khám bệnh, cấp thuốc cho người nghèo tại H.Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai

Nhờ tổng lực nhiều giải pháp, cách làm giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giảm được trên 12,9 ngàn hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,76% năm 2016 xuống 0,44% vào cuối năm 2020 (tương đương còn 3,9 ngàn hộ nghèo), vượt nghị quyết Tỉnh ủy đề ra (Nghị quyết phấn đấu đến cuối năm 2020 toàn tỉnh giảm hộ nghèo còn dưới 1%, tương đương còn khoảng 10.823 hộ nghèo). Đặc biệt, toàn tỉnh đã xóa hết hộ nghèo thuộc diện có công với cách mạng; hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ còn 630 hộ…

Theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH, từ kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020 trong công tác giảm nghèo của tỉnh, Ban chỉ đạo giảm nghèo tiếp tục tổ chức điều tra hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 theo chuẩn mới quy định của Trung ương. Từ đó, kịp thời tham mưu cho tỉnh triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu tham mưu để Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo tình hình thực tế tại địa phương, phấn đấu giảm trên 80% hộ nghèo có khả năng thoát nghèo giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, các dự án, mô hình giảm nghèo tỉnh đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo và những hộ mới thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Đã có khoảng 64 mô hình, dự án giảm nghèo bền vững đã và đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo và nhiều hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã triển khai trên 64 dự án mô hình giảm nghèo; tổ chức 46 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; đưa trên 7 ngàn lượt cán bộ giảm nghèo tham quan thực tế một số mô hình, dự án giảm nghèo tiêu biểu trong tỉnh; hướng dẫn các chính sách, dự án, hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phương pháp chuyển đổi đo lường từ nghèo đơn chiều sang giảm nghèo tiếp cận đa chiều do Trung ương hướng dẫn và một số chuyên đề, chính sách mới hỗ trợ người nghèo của tỉnh…

Hoàng Cảnh

Từ khóa: