Xã hội
Đồng Tháp đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em
12:03 AM 03/10/2021
(LĐXH)-Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt đã tác động tới những vấn đề về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Theo đánh giá, trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu, chưa có kiến thức và khả năng bảo vệ sức khỏe cho bản thân, dễ bị ảnh hưởng nhất trước nguy cơ dịch Covid-19. Rất nhiều trẻ em thuộc đối tượng cách ly y tế theo quy định, nhiều em phải tự chăm sóc trong khu cách ly hoặc ở nhà một mình do cha mẹ phải đi cách ly, hoặc tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều trẻ em phải học online, không được đến trường để phòng, tránh nhiễm bệnh. Do đó, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các em. Ngoài ra, các em còn là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình, có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, xâm hại trên môi trường mạng,…
Chính vì vậy, đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra nguy hiểm, trong một năm qua, từ tháng 7/2020 – 8/2021, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung đẩy mạnh truyên truyền Luật Trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và cả cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội  Đồng Tháp tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, người nuôi dạy trẻ tại xã Tân Hòa (huyện Lai Vung)
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp thực hiện thực hiện 04 Chuyên mục và 04 Chuyên trang Vì trẻ em; phát thông điệp phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác truyền thông được tăng cường thông qua Đài, Báo, trang fanpage về Luật Trẻ em, các nội dung về các quyền của trẻ em; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác; kiến thức về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời và các nội dung thuộc chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 0277 8516171, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, địa chỉ tin cậy tại các địa phương, để mọi người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em và đảm bảo an toàn cho trẻ em trong tình hình dịch bệnh; nhân bản đĩa truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước để chuyển về địa phương phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện và loa truyền thanh cấp xã.
Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác truyền thông đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên đài Truyền thanh, gắn hoạt động tuyên truyền với các nội dung như: Xây dựng “Trường học an toàn”, nâng cao ý thức cho mọi người phòng tránh thiên tai, dịch bệnh, tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, xâm hại, bạo lực gia đình đối với trẻ em, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật ở trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được tiếp cận với những thông tin phù hợp với trình độ, lứa tuổi, sở thích, nhu cầu nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em. Nội dung tuyên truyền: Luật Trẻ em, quyền và bổn phận của trẻ em, bảo vệ trẻ em trong đại dịch Covid-19, đăng tải thư chúc mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 của Chủ tịch nước.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố triển khai lồng ghép tuyên truyền phù hợp trong tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, hình thức qua Trang thông tin và mạng xã hội Thư viện tỉnh, tuyên truyền giới thiệu sách bằng hình thức video clip, qua nhóm Zalo… phục vụ 30 tài liệu đến tận nhà cho bạn đọc khiếm thị và chuyển đổi hình thức phục vụ bằng hình trực tuyến, với nhiều hoạt động phù hợp dành cho thiếu nhi thông qua website, facebook, youtube, thu hút sự quan tâm và tham gia nhiệt tình từ phía phụ huynh và trẻ em. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền thông qua hình thức cổ động trực quan: treo 60 băng rôn, viết tin, bài phát trên hệ thống Đài truyền thanh cấp huyện, Trạm truyền thanh cấp xã về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể xã hội và nhân dân về quyền trẻ em.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, với 675 cuộc đến 12.771 cán bộ, hội viên phụ nữ các nội dung về phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là truyền thông về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Thông qua các buổi sinh hoạt tổ/nhóm, câu lạc bộ, Chi Hội phụ nữ đã lồng ghép các hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng dẫn cho các bà mẹ, người nuôi dưỡng trẻ về kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em; phổ biến kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống ma túy, kiến thức nuôi dạy con…Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến đáng kể, nhận thức đúng đắn hơn về kỹ năng làm cha mẹ, biết cách nuôi dạy, giáo dục con cái; chú ý quan tâm nhiều hơn đến quyền của trẻ em; biết những kiến thức cơ bản về phòng ngừa tai nạn thương tích, phòng ngừa trẻ vi phạm pháp luật và vướng vào các tệ nạn xã hội.
Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm góp phần nâng cao ý thức cộng đồng cùng chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các tin, bài phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình với nhiều nội dung phong phú như các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, các hội nghị, hội thảo về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh, bổ ích cho trẻ em, các vấn đề liên quan đến trẻ em, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tới gia đình, cộng đồng, xã hội. Các chương trình thời sự trên sóng phát thanh truyền hình và các hạ tầng wedsite mạng xã hội được dành thời lượng khá lớn thông tin về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hoạt động ủng hộ của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh, hoạt động chung tay giúp đỡ về vật chất và tinh thần, cải thiện môi trường sống cho trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội để cho em được sống trong môi trường an toàn lành mạnh và phát triển toàn diện.
Ủy ban nhân dân 12/12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ đạo các phòng, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền tập trung cao điểm trong Tháng hành động vì trẻ em như: Tổ chức xe hoa cổ động, thực hiện treo băng rôn, lắp đặt pano tuyên truyền tại trụ sở, cơ quan, các tuyến đường chính tuyên truyền các thông điệp Tháng HĐVTE năm 2021, chỉ đạo Đài Truyền thanh phối hợp với các đơn vị liên quan dành nhiều thời lượng phát sóng, đưa tin, bài về các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Trạm truyền thanh cấp xã viết và phát các tin, bài tuyên truyền về bảo vệ trẻ em trong đại dịch COVID-19 nhằm phòng ngừa việc lây nhiễm, bảo vệ trẻ em phòng ngừa nguy cơ tai nạn thương tích, đặc biệt vấn đề đuối nước ở trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ phòng ngừa nguy cơ bị xâm hại tình dục trong thời gian nghỉ hè. 
Nhìn chung, trong khoảng thời gian 1 năm qua từ tháng 7/2020-8/2021, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình, toàn xã hội các vấn đề về trẻ em và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại tỉnh một cách hiệu quả để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, được phát triển toàn diện./.
Mỹ Hạnh
 
 
Từ khóa: