Dự báo nhu cầu, chủ động đáp ứng nguồn lao động cho phát triển các KCN ở Bắc Ninh
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Ninh, chọn phát triển các KCN được coi là khâu đột phá. Đến nay, Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.397 ha, hiện có 1.113 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 16 tỷ USD.
Trong số các dự án được cấp phép đã có 780 doanh nghiệp đi vào động, thu hút hơn 266,5 nghìn lao động, bao gồm: Hơn 193,2 nghìn lao động ngoại tỉnh và lao động là người nước ngoài; lao động địa phương hơn 73,3 nghìn người. Việc phát triển các KCN gắn liền với gia tăng lao động đã góp phần tạo cho Bắc Ninh những diện mạo mới thông qua việc đóng góp trực tiếp của họ khi làm việc tại các KCN và đóng góp gián tiếp thông qua việc sử dụng các dịch vụ thiết yếu như thuê nhà ở, các dịch vụ ăn uống, giải trí... Tuy nhiên, do số lượng người ngoại tỉnh tăng nhanh, nên dễ phát sinh nhiều hệ lụy như không đăng ký tạm trú, quan hệ hôn nhân bất hợp pháp, mất an ninh trật tự công cộng… Để khắc phục, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công đoàn các KCN, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ... đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý và sử dụng lao động tới từng doanh nghiệp trong các KCN. Qua đó góp phần hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội, tránh xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Để đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động của các doanh nghiệp KCN, phù hợp với quá trình phát triển, Ban Quản lý các KCN thực hiện tốt công tác dự báo nguồn nhân lực. Thống kê nhu cầu lao động trong các KCN, dựa trên kế hoạch phát triển của các nhà đầu tư (thể hiện tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư), kế hoạch thu hút đầu tư hàng năm và từng giai đoạn vào các KCN của tỉnh. Tổng hợp số lượng, chất lượng lao động và tính tỷ lệ tăng trưởng lao động hàng năm, bình quân cho giai đoạn làm cơ sở cho công tác dự báo tốc độ tăng trưởng nguồn lao động, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của các KCN.
Theo ông Lâm Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh: Bằng các phương pháp dự báo, Ban đã dự báo chính xác nhu cầu về lao động cho quá trình phát triển của các KCN. Thực hiện thống kê định kỳ tình hình sử dụng lao động đối với các doanh nghiệp, làm cơ sở để xây dựng Đề án quy hoạch nguồn nhân lực. Ban chủ động phối hợp với các ngành liên quan tập trung khai thác tốt nguồn nhân lực trong tỉnh, chú trọng thu hút nguồn nhân lực ngoại tỉnh. Khai thác hiệu quả sàn giao dịch việc làm để đáp ứng cung - cầu lao động. Phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo và liên kết trong đào tạo, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thành lập và xây dựng các trường cao đẳng, đại học, dạy nghề của Bắc Ninh. Hoàn thiện chính sách thu hút lao động là người địa phương về làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học.
Cùng với công tác dự báo, để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, coi Bắc Ninh là quê hướng thứ hai của mình, Ban Quản lý các KCN chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh triển khai xây dựng hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động các KCN. Trong đó, thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở cho người lao động. Hiện toàn tỉnh có 24 dự án nhà ở dành cho công nhân KCN với tổng diện tích 90,38ha, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho khoảng 144.000 lao động. Trong đó, 8 dự án đã đầu tư, đáp ứng chỗ ở cho hơn 21,1 nghìn lao động; 16 dự án chuẩn bị đầu tư, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 122,9 nghìn lao động. Việc xây dựng nhà ở công nhân góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm không gian quy hoạch, kiến trúc cảnh quan và an ninh, giúp người lao động quen dần với lối sống hiện đại, gắn bó với doanh nghiệp, với sự phát triển của Bắc Ninh. Các dịch vụ đi kèm được tổ chức quy mô chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của công nhân. Đồng thời phát huy vai trò quản lý của nhà nước, qua đó kịp thời theo dõi, thu thập thông tin, đề xuất cơ chế chính xác, kịp thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho công nhân.
Người lao động là cốt lõi, là trọng tâm của hoạt động sản xuất, là nhân tố tạo nên giá trị gia tăng cho quá trình phát triển của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung. Vì vậy, làm tốt công tác dự báo, chủ động nguồn cung lao động chất lượng là một trong những giải pháp thiết yếu giúp doanh nghiệp phát triển, để các KCN thực sự phát huy vai trò là đầu tầu trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo Báo Bắc Ninh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48