EVN HANOI: An toàn vệ sinh lao động quyết định sự thành công trong sản xuất kinh doanh
(LĐXH) - Là một trong những đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HaNoi) đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật, cá nhân trong công tác ATVSLĐ và đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, ổn định phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Trong thời gian qua EVN HANOI đã triển khai thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tổng công ty luôn đề cao công tác an toàn VSLĐ - PCCN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức huấn luyện, sát hạch an toàn điện cho 5.313 CBCNV, huấn luyện An toàn vệ sinh lao động theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP cho 807 người thuộc nhóm 1 (Ban Tổng Giám đốc, Trưởng và Phó các Ban; Trưởng và phó đơn vị; Trưởng phòng và Đội trưởng, Tổ trưởng quản lý trạm biến áp 110kV, 220kV và các chức danh tương đương) và cho 83 người thuộc nhóm 2 (Phó phòng KTAT, cán bộ an toàn, Trưởng phòng điều độ vận hành các đơn vị trong toàn Tổng công ty); Cùng với đó triển khai hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật: thay công tơ không cần cắt điện; thực hiến phiếu “checklist” trước khi thực hiện công việc ngoài hiện trường; hướng dẫn thực hiện nhận diện mối nguy, quản lý và đánh giá rủi ro trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại Tổng công ty…
EVN HaNoi luôn chủ động xây dựng kế hoạch trang bị dụng cụ kỹ thuật an toàn, trang bị bảo hộ lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CBCNV đồng thời tăng cường trên 300 lượt kiểm tra, giám sát tại các đơn vị cũng như phát phiếu tự kiểm tra 2.700 lượt các công ty thành viên. Tiến hành đo kiểm tra môi trường lao động tại 1.940 điểm cho toàn bộ các đơn vị trực thuộc...
Chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng cháy, chữa cháy tại 30 Công ty và 6 đơn vị trực thuộc; tổ chức phát tờ rơi và phát hành cuốn sổ tay tuyên truyền sử dụng điện an toàn, hiệu quả tới khách hàng với kinh phí hơn 3,2 tỉ đồng. Ngoài ra, thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về trang bị phương tiện đảm bảo an toàn lao động đối với trang bị dụng cụ kỹ thuật an toàn có yêu cầu nghiêm ngặt, năm 2018, Tổng công ty đã đầu tư dụng cụ kỹ thuật an toàn với chi phí hơn 16,8 tỉ đồng, tổ chức cấp bảo hộ lao động và trang phục làm việc, triển khai các biện pháp kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống yếu tổ có hại và cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho người lao động… Tiếp đó, triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy – Chữa cháy thành phố Hà Nội tổ chức bồi dưỡng huấn luyện kiến thức pháp luật của Nhà nước về công tác này cho các đồng chí Lãnh đạo, thành viên Ban chỉ huy và Đội phòng cháy chữa cháy hai cơ sở thuộc Tổng công ty.
Trong những tháng đầu năm 2019, Tổng Công ty đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các khóa tìm hiểu về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở sản xuất cũng như sử dụng, bảo quản, lưu giữ và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thu hút gần 200 người tham gia. Thông qua các lớp này, học viên được hướng dẫn các nghiệp vụ an toàn, vệ sinh lao động; các kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại và các phương pháp, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; nghiệp vụ tự kiểm tra, phân tích, đánh giá rủi ro và xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp; các kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng như các nội dung huấn luyện chuyên ngành khác.
Chia sẻ về vấn này Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc EVN HaNoi nhấn mạnh: “Hưởng ứng Tháng ATVSLĐ năm 2019 trong toàn Tổng công ty với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động”. Với mục đích xây dựng Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội ngày càng “Xanh - Sạch - Đẹp” đảm bảo An toàn vệ sinh lao động; Cung cấp điện an toàn, ổn định, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô; Nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của các đơn vị, cá nhân trong công tác an toàn, vệ sinh lao động... Trong những tháng cuối năm 2019, EVN HaNoi sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ-PCCN, xử lý vi phạm hành lang lưới điện cao áp, phóng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức bồi huấn, xây dựng lực lượng ATVS viên có phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tế ngày càng cao. Tuyên truyền, vận động, giáo dục CBCNV nghiêm chấp hành công tác ATVSLĐ-PCCN. Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Nói không với mất an toàn”, “Ngày/Tuần/Tháng không có tai nạn lao động”, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất sự cố thiết bị, sự cố cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân trên địa bàn Thủ đô…”
Đẩy mạnh tuyên truyền an toàn điện mùa mưa bão
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và hội tụ gió. Trong mưa dông có khả năng gió giật mạnh... Nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố đáng tiếc do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội chỉ đạo các Công ty Điện lực rà soát các thiết bị của hệ thống lưới điện, củng cố, thay thế các điểm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Kiểm tra kết cấu cơ khí, xây dựng của hệ thống điện và thiết bị điện ngoài trời, trong nhà, khu vực đông dân cư trú và sinh hoạt, đảm bảo cách điện phải tốt, chống rò điện, các kết cấu vững chắc an toàn.
Cụ thể, các Công ty Điện lực sẽ tiếp tục bám sát các phương án Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chung của Tổng công ty đã được diễn tập; tăng cường ứng trực; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị; đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trên địa bàn hoặc khu vực để phối hợp kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất. Xử lý ngay những vị trí, các điểm không đạt tiêu chuẩn quy định của lưới điện, củng cố tiếp địa cao áp, hạ áp của cột điện, trạm điện, tủ pillar để đảm bảo an toàn cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong tất cả các tình huống trong mùa mưa bão, ngập úng.
Kiểm tra củng cố các đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm tiêu, đảm bảo công suất, nguồn dự phòng để các trạm bơm tiêu ngập úng sẵn sàng vận hành; Thống kê các khu vực vùng thấp trũng, khi bão lụt có thể xảy ra úng ngập các thiết bị điện hoặc gây sạt lở móng cột. Tăng cường kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Kiểm tra chống úng, ngập nước tại hầm cáp, mương cáp, thiết bị của các trạm 110kV…
Để phòng ngừa sự cố lưới điện và tai nạn điện cho người dân trong mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội khuyến cáo khách hàng sử dụng điện một số nội dung cần biết như sau:
- Khi có bão, mưa to gió lớn, ngập úng cần chú ý tránh xa các khu vực nguy hiểm: Đường dây điện, trạm điện; đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra như: Cây đổ, cành cây rơi vào trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, nước tràn vào trạm điện… gây cháy, nổ, rò điện.
- Cắt ngay nguồn điện của gia đình khi có nguy cơ ngập nước do úng, lụt. Không chạm đến bất kỳ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt.
- Cầu dao, cầu chì, áp tô mát, công tác, ổ cắm trong gia đình phải đặt ở nơi khô ráo. Nên đặt ở vị trí cao hơn 1m40 để an toàn cho trẻ nhỏ và tránh rò điện khi mưa to gây úng ngập.
- Nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải đảm bảo không xâm phạm: Đường ra vào, đường cấp thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không, nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.
Tiếp đó, nghiêm cấm các hành vi:
- Tự ý vào trạm điện, trèo lên các bộ phận của công trình lưới điện khi không có nhiệm vụ.
- Hành vi trộm cắp, phá hoại gây hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện.
- Thả vật bay, bóng bay, bắn pháo giấy tráng kim loại gần công trình lưới điện cao áp.
- Lắp đăt ăng ten, dây phơi, giàn giáo, biển quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi đổ, rơi có thể va quệt vào công trình lưới điện cao áp.
- Trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện, trạm điện, hoặc cây đổ có thể chạm vào đường dây điện.
- Bắn chim hoặc quăng ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện; tháo dây néo tiếp địa và các phụ kiện khác của cột điện; Đào đất gây sụt lún công trình lưới điện; Đổ đắp đất, cát vi phạm khoảng cách an toàn; Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều quán, buộc trâu bò hoặc gia súc.
Nguyễn Hữu Bắc
Từ khóa:
-
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
11-01-2025 08:31 28
-
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
03-01-2025 12:03 18
-
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
10-01-2025 11:07 44
-
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
17-12-2024 16:44 28
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
12-12-2024 15:34 57
-
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
30-12-2024 15:09 04
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46