Xã hội
Gia Lai phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em
06:02 PM 19/01/2022
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai cùng các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội luôn dành mọi điều kiện tốt nhất để cho trẻ em vui chơi và phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh.
Nhờ đó, tình hình tai nạn thương tích trẻ em, nhất là trẻ em bị tử vong do đuối nước đã giảm đáng kể, nhận thức người dân ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi của Gia Lai là 451.453 trẻ, chiếm tỷ lệ 28,7% dân số; trong đó, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số là 223.600 trẻ, chiếm tỷ lệ 49,5% tổng số trẻ em. Trẻ em dưới 6 tuổi là 183.109 trẻ chiếm tỷ lệ 11,6% dân số.
Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 5.348 trẻ, chiếm tỷ lệ 1,18% tổng số trẻ em, bao gồm: mồ côi cả cha và mẹ 644 trẻ, bị bỏ rơi 81 trẻ, không nơi nương tựa 173 trẻ, khuyết tật 3.932 trẻ, nhiễm HIV/AIDS 28 trẻ; trẻ em vi phạm pháp luật 118 trẻ, trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS 288 trẻ; trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về  thể chất và tinh thần do bị bạo lực 02 trẻ, bị xâm hại tình dục 47 trẻ; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều dài ngày thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo 35 trẻ.

Tập huấn kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em tỉnh Gia Lai

Tổng số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 98.856 trẻ, chiếm 21,8 % tổng số trẻ em, gồm: 91.371 trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo (trẻ em sống trong gia đình nghèo 53.219 trẻ); trẻ em bỏ học (chưa học xong chương trình THCS) 2.002 trẻ; trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội 1.076 trẻ; trẻ em  sống trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội 289 trẻ; trẻ em sống trong gia đình có người vi phạm pháp luật 176 trẻ; trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ đi làm ăn xa 870 trẻ; trẻ em mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ 3.072 trẻ.
Trong năm 2021, toàn tỉnh Gia Lai có 458 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó, tử vong 80 trẻ (chiếm 17,5%), tử vong do đuối nước 59 trẻ, tử vong do tai nạn giao thông 12 trẻ, các loại tai nạn khác 07 trẻ.
Theo số liệu thống kê trong năm 2021, có 15/17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xảy ra trẻ em bị tử vong do đuối nước với tổng số 50 vụ làm 59 em bị tử vong, giảm 05 trẻ em so với năm 2020 (năm 2020 có 64 trẻ). Các địa phương có nhiều trẻ em bị tử vong do đuối nước gồm các huyện: Chư Prông 05 vụ có 05 em tử vong, Ia Grai 07 vụ có 07 em tử vong, thành phố Pleiku 03 vụ có 05 em tử vong, Mang Yang 7 vụ có 11 em tử vong và Đức Cơ 05 vụ 05 trẻ tử vong.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Gia Lai, nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em do nhận thức gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; một bộ phận cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu sự quan tâm nhắc nhở, giám sát với con em mình. Môi trường sống từ gia đình đến cộng đồng chưa an toàn cho trẻ em, một số địa phương chưa quan tâm rà soát, cắm biển cảnh báo những nơi nguy hiểm; nhiều chủ ao, hồ, hố đào tưới cà phê, tiêu… còn thiếu trách nhiệm, chủ quan không làm rào chắn hoặc làm nhưng không đảm bảo an toàn, không làm biển cảnh báo nguy hiểm điều đó tiềm ẩn nguy cơ cao đuối nước cho trẻ em.
Bên cạnh đó, đa số trẻ em trên địa bàn không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước nhưng hiện nay số lượng bể bơi lại chưa đáp ứng nhu của trẻ em, môn bơi lội không được đưa vào môn học chính thức trong nhà trường. Thiếu khu vui chơi, sân chơi cho trẻ em ở cộng đồng nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn.
Để tăng cường công tác phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung xây dựng ngôi nhà an toàn. Coi đây là một biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em, giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết được các mối hiểm họa xung quanh và trong nhà có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ. Đồng thời, quan tâm đến trẻ và xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ giúp giảm đến mức thấp nhất các loại tai nạn thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội.
Thực hiện mô hình này, mỗi hộ gia đình phải đăng ký thực hiện “Ngôi nhà an toàn” với các tiêu chí như: bảo đảm an toàn xung quanh ngôi nhà, an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay trẻ em... Đây được xem là tiêu chí gắn liền với tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên được nhiều địa phương và nhân dân tích cực tham gia.
Tiếp đếm là xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Kết quả, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 711 trường, 11.482 lớp, 361.972 học sinh. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 90,5%, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt 99,9%, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp THCS đạt 92,6%...
Đến nay, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã, phường, thị trấn triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị  tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Việc thực hiện cắm biển cảnh báo, làm rào chắn ở các khu vực sông, suối, ao hồ bước đầu được đơn vị khai thác, sử dụng hồ đập và các chủ hộ có hố đào, ao, hồ chứa nước tưới tiêu thực hiện.
Đặc biệt, việc triển khai nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đã phát huy hiệu quả... Qua đó xây dựng môi trường sống an toàn, từng bước kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên địa bàn tàn tỉnh.

Chí Tâm

Từ khóa: