Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục an toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH); ông Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM; TS.Nguyễn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn Vệ sinh lao động TP.HCM; GS.TS. Lê Vân Trình – Chủ tịch hội KHKT AT-VSLĐ Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hằng năm, TP.HCM là đơn vị luôn đứng đầu danh sách 10 địa phương có số người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ) nhiều nhất. Trong đó, tình hình tai nạn lao động ở khu vực có quan hệ lao động từ năm 2015 đến năm 2017 có xu hướng giảm (năm 2015 là 1.525 và năm 2017 là 1.492 vụ). Năm 2017, số vụ TNLĐ đã giảm xuống đáng kể so với năm 2016 (giảm 229 vụ, tương đương 15,35%), số người bị nạn giảm 239 người (giảm 15,85%); số người bị thương nặng giảm 314 người (giảm 51%), nhưng số người chết vì TNLĐ năm 2017 tăng 4 người so với năm 2016 (tăng 4%). Đối với khu vực không có quan hệ lao động, theo thống kê trên địa bàn TP.HCM năm 2017 tăng 50% so với năm 2016 (tăng 7 vụ làm 7 người chết). Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác thủy hải sản. Cũng theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, năm 2017 chỉ có 5.387 doanh nghiệp báo cáo tình hình tai nạn lao động, chiếm 12,8% trong tổng số cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động. Con số này vẫn chưa phản ánh hết tình hình tai nạn lao động trên địa bàn.
Phát biểu tại hội thảo, TS.Nguyễn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn Vệ sinh lao động TP.HCM cho biết: Thành phố hiện có hơn 400.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với hơn 4,5 triệu lao động đang làm việc. Với mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, lãnh đạo TP đang quan tâm đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, mở rộng sản xuất kinh doanh. Mục tiêu cụ thể của Thành phố đến năm 2020 trung bình hằng năm giảm 5% tần suất lao động chết người, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động của TP.HCM giai đoạn 2016-2020.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, TP.HCM sẽ cần phải thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là tăng cường hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; hoạt động dịch vụ kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động thành phố, sở, ban ngành thành phố, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao dộng.
Đại diện một số đơn vị trình bày tham luận tại hội thảo
Còn theo GS.TS. Lê Vân Trình – Chủ tịch hội KHKT AT-VSLĐ Việt Nam, một trong những “nguyên nhân gốc rễ” của thương tích nơi làm việc, bệnh tật và sự cố là không xác định hoặc nhận ra các mối nguy hiểm hiện diện hoặc có thể đã được dự đoán. Một yếu tố quan trọng của bất kỳ chương trình kế hoạch ATVSLĐ hiệu quả nào là một quá trình chủ động, liên tục để xác định và đánh giá những mối nguy hiểm như vậy.
Để xác định và đánh giá được các mối nguy hiểm, người sử dụng lao động phải thường xuyên thu thập và xem lại thông tin về các nguy cơ hiện diện hoặc có khả năng xảy ra tại nơi làm việc. Kiểm tra nơi làm việc xác định các mối nguy hiểm có thể gây thương tích; Tiến hành xác định nguy cơ có thể xảy ra trên các vị trí làm việc; Đánh giá mức độ nguy hại cho các mối nguy và xác định các biện pháp kiểm soát”
Ông Trình cũng cho biết, để kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ rủi ro cho tính mạng và sức khỏe NLĐ, người sử dụng lao động cần phải Nâng cao nhận thức cho NLĐ để họ có thể có sự hiểu biết tốt nhất về các điều kiện tạo ra mối nguy hiểm và hiểu biết phương pháp phòng ngừa TNLĐ và BNN; Xác định và đánh giá các giải pháp để kiểm soát các mối nguy hiểm tại sơ sở sản xuất; Xây dựng kế hoạch kiểm soát nguy cơ rủi ro để hướng dẫn việc lựa chọn và thực hiện kiểm soát theo kế hoạch đã đề ra; Xây dựng các kế hoạch với các biện pháp phòng ngừa trong các trường hợp khẩn cấp và các sự cố bất thường ngoài dự kiến; Định kỳ đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro hiện có để xác định tính hiệu quả hiện tại và so sánh với các biện pháp mới tốt hơn.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được lắng nghe một số bài tham luận của đại diện Sở LĐ-TB&XH, Sở Điện lực TP và đại diện đến từ các công ty doanh nghiệp trên địa bàn như: Tham luận về “Việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng ngừa TNLĐ, BNN trong công tác AT-VSLĐ trong thời kỳ hội nhập quốc tế”; “Thực trạng công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố” và “Giải pháp kéo giảm tỷ lệ tai nạn lao động ở địa bàn TP.HCM dưới góc nhìn chuyên gia công nghệ quản lý an toàn”.
Lê Việt
-
Huyện Đồng Hỷ: Quan tâm giải quyết việc làm bền vững cho người lao động
26-11-2024 14:41 12
-
Thái Nguyên: Phát triển thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm việc làm
26-11-2024 14:41 07
-
Huyện Phú Lương: Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo
26-11-2024 14:41 03
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51