Giáo dục - Nghề nghiệp
Giáo dục nghề nghiệp kết nối thị trường lao động và việc làm bền vững trong tình hình mới
02:39 PM 03/01/2022
(LĐXH) - Phát triển giáo dục nghề nghiệp mở, hướng tới việc làm bền vững là một trong những vấn đề quan trọng và bức thiết rất cần sự tham gia đóng góp kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo, doanh nghiệp, người lao động… Với mục tiêu rỡ bỏ những rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ bao gồm: Học nghề - Khởi nghiệp - Việc làm bền vững... trong trạng thái bình thường mới…
Kỳ 1: Đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến
 
Dịch bệnh Covid- 19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động trong lĩnh vực GDNN, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Cục GDNN đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương cũng như các cơ sở GDNN chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh thực tế…
 
Đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp
Vai trò của đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài đối với giáo dục nghề nghiệp là hết sức quan trọng và cần thiết. Đặc biệt trong 3 năm qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội luôn quan tâm đến phát triển giáo dục trực tuyến - coi công nghệ thông tin là khâu đột phá.
Ngay từ năm 2018, Bộ ban hành Thông tư số 33/2018 về đào tạo trực tuyến và hướng dẫn học từ xa, tự học có hướng dẫn. Văn bản này đã tạo ra khung pháp lý khá hoàn chỉnh, bởi Ban soạn thảo đã tiếp cận các phương pháp đào tạo từ xa của quốc tế cũng như tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các công ty cung cấp giải pháp. Từ đó, đưa ra những tiếp cận mới để xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp, mang tính mở cho đào tạo trực tuyến. Điển hình là những tiếp cận về công nghệ, hạ tầng, cho phép nhà trường có thể đi thuê, liên kết kinh doanh để sử dụng hạ tầng; hoặc nhà trường có thể liên kết kinh doanh. Qua đó, mở ra một hệ thống học liệu mở cũng như công nhận văn bằng, tín chỉ; công nhận các nội dung lẫn nhau giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp tại trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Tuy nhiên, trên thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp còn một số hạn chế, nguyên nhân cơ bản là nhận thức về vấn đề này chưa đáp ứng được yêu cầu. Rất nhiều người chưa nhìn nhận đúng đắn về vai trò, xu hướng phát triển của đào tạo trực tuyến cũng chưa đánh giá đúng hiệu quả mà công nghệ mang lại. Bởi vậy nhiều đơn vị, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - trong đó cả người dạy, người học và người quản lý còn chưa coi trọng với đào tạo trực tuyến…
Có thể khẳng định, đào tạo trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn là một giải pháp quan trọng trong thời gian tới nhằm phát triển được hệ thống giáo dục mở; phát triển đào tạo liên tục, gắn với tinh thần học tập suốt đời và giữ vai trò “đột phá” trong tương lai. Rất nhiều công nghệ mới sẽ cho phép nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí đào tạo, sử dụng thời gian của giáo viên và người học một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, còn rất hữu ích khi đào tạo lại cho những người đã và đang làm việc. Đây là một công cụ giúp cho các trường nghề có thể tiếp cận rất sớm và tiếp cận liên tục với người học, cho phép kết hợp triển khai song hành giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành, giữa đào tạo tại nhà trường và đào tạo tại doanh nghiệp, giữa người đang học hay làm việc tại doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận được với nhà trường, tham gia các quá trình đào tạo , qua đó tích lũy module tín chỉ để có được văn bằng tín chỉ ở nhiều cấp độ.
Riêng với công tác tuyển sinh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội luôn quán triệt tinh thần để các cơ sở GDNN tự chủ. Tuy nhiên, nhằm thúc đẩy tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, Bộ hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai những việc kết nối tổng thể như: Ứng dụng công nghệ thông tin trên App điện thoại di động; trên trang Web cho phép người học được chọn ngành, chọn nghề, chọn trường trực tuyến. Bộ cũng khuyến khích các trường đẩy mạnh công nghệ thông tin nhất là đối với các chương trình chất lượng cao. Qua các đợt dịch Covid-19, chúng ta có thể thấy được một cơ hội để các trường sáng tạo phương pháp tuyển sinh. Đơn cử, thay vì việc đi làm hội thảo trực tiếp tại các trường, chúng ta có thể tổ chức hội thảo online, module, mô phỏng online… giúp học sinh tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả.
(Còn nữa)
Nguyễn Hữu Bắc
Từ khóa: